Trong khoảng 3 thập kỷ, truyền hình thực tế xuất hiện hàng trăm chương trình. Những thành công vang dội có và thất bại thảm hại cũng có. Nhưng cái để lại ấn tượng nhiều nhất cho khán giả lại là liệu các chương trình đó có dàn xếp kết quả? Hay diễn xuất của ai làm người xem hài lòng nhất. Vậy thực tế là như thế nào?
Trong quá trình xã hội hóa truyền hình, sau nhiều nỗ lực tìm tòi những định dạng truyền hình thực tế thuần Việt mà chưa thành công, các nhà đài buộc phải bạo tay chi tiền để mua bản quyền các chương trình đang "hot" từ những nước có nền công nghiệp giải trí phát triển.
Ðó là lý do tại sao các gameshow được gắn mác truyền hình thực tế như: Vietnam’s Got Talent, Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, The Voice, Thử thách cùng bước nhảy, Master Chef... đã từng liên tục đổ bộ, chiếm sóng "giờ vàng" trên các kênh truyền hình.
Bên cạnh những ấn tượng về dàn thí sinh cũng như các chương trình trò chơi độc đáo, thú vị thì người xem vẫn luôn tồn tại một câu hỏi: Liệu các chương trình này có dàn xếp hay không? Bởi nếu thực tế cho thấy đúng là một số ngôi vị quán quân đã không được lòng khán giả.
Giọng hát Việt 2012 từng dậy sóng vì nghi án lộ kết quả từ Giám đốc âm nhạc Phương Uyên và càng về sau, người ta nhận ra việc “dàn xếp” dường như là tất yếu, nhất là khi thí sinh có lượng fan áp đảo lại không phải là tài năng, thể hiện tốt nhất.
Qua 5 mùa, Giọng hát Việt giảm hẳn khán giả lẫn thí sinh chất lượng. Thế nên vào mùa 5 này, khi chương trình bắt đầu bị chê nhạt và kém hấp dẫn thì việc “tung chiêu” gây chú ý cũng là điều dễ hiểu.
Trước đêm bán kết diễn ra, trên mạng xã hội đã lan truyền kết quả Top 5 gồm: Minh Ngọc, Gia Nghi, Ngọc Ánh, Thái Bình và Dương Quốc Anh. Do thực tế cũng diễn ra y như vậy nên không thể không đặt vấn đề về việc dàn xếp kết quả.
Ngạc nhiên hơn, hình ảnh trên mạng từ 1 tuần trước thậm chí chỉ rõ một trong 3 thí sinh của đội Noo Phước Thịnh sẽ trở thành quán quân, 4 thí sinh còn lại đồng hạng á quân.
Dĩ nhiên, chẳng BTC nào thừa nhận đó là chuyện thật. Và cuối cùng, kết quả đêm chung kết cũng... gần đúng như vậy, chỉ khác chút là thí sinh Ngọc Ánh thay vì Minh Ngọc của đội Noo Phước Thịnh vào phút chót đăng quang.
Điều đáng nói là Thu Ngân, giọng ca đầy nội lực của đội Thu Phương lại bị loại ngay trước vòng chung kết, dù cô là người hát hay nhất từ đầu giải đến giờ.
Và quan trọng, nếu không có “tin đồn dàn xếp” kết quả, có lẽ chẳng ai chú ý lắm đến cuộc thi vốn dĩ tẻ nhạt và chính người đăng quang cũng giành chiến thắng nhờ là danh hiệu “hotgirl triệu view” lắm fan chứ không phải hát hay.
Kịch bản lộ kết quả này được lặp lại ở The Voice 2018. Một tuần trước khi đêm bán kết diễn ra, trên mạng xã hội đã truyền nhau kết quả top 5.
Tuy nhiên, dàn thí sinh Giọng hát Việt 2018 lại bị đánh giá mờ nhạt, không có tài năng nổi bật, cá tính âm nhạc đại trà, bởi vậy vụ lộ kết quả vẫn không thể cứu nổi “bom xịt” The Voice 2018.
Chuyện lộ kết quả luôn được xem là “chiêu bài” cứu rating cho nhiều gameshow, và nhiều cuộc thi - dù được khẳng định là “truyền hình thực tế”, là “sự thật tình huống đã diễn ra như thế”.
Những kết quả rò rỉ trước cuộc đua nước rút dễ thu hút được sự chú ý và tranh cãi từ khán giả, dư luận. Các tập sau đó lên sóng được đón xem nhiều hơn, để khán giả có thể so sánh kết quả thực và kết quả rò rỉ. Thực tế đã chứng minh, kết quả lộ trước đó luôn trùng khớp với đêm thi.
Năm 2014, trước chặng cuối Cuộc đua kỳ thú, một người đàn ông tự xưng từng là thành viên, tổ quay hình chương trình, gửi đến truyền thông thông tin và kết quả của gameshow này, theo đó người đàn ông tố nhà sản xuất dàn xếp kết quả, theo đó Hương Giang Idol sẽ là quán quân. Nhà sản xuất ra sức phủ nhận, nhưng chặng cuối có sức hút hơn hẳn và Hương Giang Idol chính là quán quân Cuộc đua kỳ thú năm đó.
Cách đây 3 năm, câu chuyện The Voice Kids dàn xếp kết quả cũng đã khiến cả cộng đồng mạng phẫn nộ trong một thời gian dài.
Sau đêm chung kết của Giọng hát Việt nhí 2019 với chiến thắng thuộc về Kiều Minh Tâm, hiện MC Nguyên Khang và Lưu Thiên Hương là 2 đối tượng bị netizen tấn công gay gắt.
Nếu như MC Nguyên Khang là người trực tiếp gây tổn thương tinh thần cho Chấn Quốc vì sự cố đọc nhầm kết quả thì Lưu Thiên Hương chính là người "vô tâm vô tính" đã gọi việc học trò Hương Giang "mừng hụt" là "tai nạn nhỏ" hay "kỉ niệm đáng nhớ" cho The Voice Kids.
Chưa kể, kết quả cuối cùng của mùa giải năm đó không hề được lòng số đông dư luân bởi với họ, Kiều Minh Tâm tỏ ra lép vế hơn 4 đối thủ còn lại.
Và nếu đã không được công chúng ủng hộ thì phần trăm khán giả trường quay ủng hộ cho học trò Lưu Thiên Hương được công bố là cao nhất, liệu có hoàn toàn chính xác?
Không chỉ dừng lại ở sự cố hy hữu trên, The Voice Kids còn bộc lộ khá nhiều điểm bất thường khiến khán giả nghi ngờ, chương trình dàn xếp kết quả.
Chưa nói đến chuyện giám đốc sản xuất của mùa giải năm nay là Hồ Hoài Anh - người có mối quan hệ gia đình với Lưu Thiên Hương thì chính hành động của HLV này đã phần nào cho thấy, cô biết trước học trò mình sẽ đăng quang.
Theo đó, vào ngày hôm qua, Lưu Thiên Hương có chia sẻ đường link một bài báo với tiêu đề "Hành trình lên ngôi Quán quân của Kiều Minh Tâm". Thời điểm đăng bài là 10 giờ sáng, cách đêm chung kết phải đến 10 tiếng.
Điều này có nghĩa là trận chiến cuối cùng chưa diễn ra, Kiều Minh Tâm đã được xác định sẽ giành chiến thắng. Đáng nói, khi click vào đường link, tiêu đề lẫn nội dung bài báo đã được sửa đổi.
Thế nhưng, phần nguồn vẫn hiển thị tiêu đề cũ với thông tin quan trọng là Kiều Minh Tâm sẽ lên ngôi Quán quân. Được biết, trang tin này chính là trang bảo trợ truyền thông độc quyền của Cát Tiên Sa - đơn vị tổ chức Giọng hát Việt nhí.
Sự việc đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Do đây là một sân chơi của trẻ em, nên thay vì đặt nặng vấn đề thắng thua thì phải nên để các em chơi đúng theo thực lực của mình. Nhưng sự dàn xếp quá rõ ràng khiến chính các em cũng bị tổn thương.
Loạt cuộc thi khác như Supermodel Me Châu Á, Asia’s Next Top Model, Viet Nam ‘s Next Top Model... đều sử dụng “chiêu bài” lộ kết quả trước chặng cuối, và đều tạo được tranh cãi, thu hút rating.
Rap Việt đang đứng trước các ồn ào lộ kết quả vòng thi Đối đầu, khi các đêm thi của team Karik, Rhymastic lên sóng đều giống hệt với nội dung đã được đưa lên mạng trước đó.
Vẫn là một người tự xưng là quay phim trong ê-kíp bị đuổi việc nên “ấm ức” đăng thông tin lên. Tuy nhiên, "chiêu bài" này đã quá cũ. Rất nhiều vụ lộ kết quả có toan tính đều được dàn dựng theo công thức này: một người tự xưng của ê-kíp bị đuổi việc và làm lộ tin “nhằm trả thù”.
Tuy nhiên “đòn thù” này lại mang đến rất nhiều lợi lộc cho nhà sản xuất. Khán giả xôn xao hơn, tranh cãi hơn, tìm hiểu về vụ kết quả lộ như thế nào, có đúng không...
Rap Việt đã vướng vào “chiêu bài” lộ kết quả ở cả hai mùa. Trước đêm chung kết mùa 1, mạng xã hội lan truyền thông tin 6 rapper chiến thắng vòng Bứt phá là GDucky, Gonzo, Dế Choắt, MCK, Ricky Star và Thành Draw. Đến mùa 2, toàn bộ kịch bản các đêm thi vòng Đối đầu đã được chia sẻ tràn lan.
Việc sử dụng nhiều lần chiêu trò lộ kết quả khiến khán giả càng nghi ngờ hơn chuyện dàn xếp, sắp đặt sẵn kết quả ở các gameshow đang lên sóng – dù nhà sản xuất luôn cố dàn dựng là “cuộc thi công bằng”.
Không ai phủ nhận tính đặc sắc của các chương trình truyền hình thực tế. Bởi ở đó, khán giả có thể nhìn thấy được tính cách thật của từng thí sinh. Cũng là nơi những thử thách, trò chơi chân thật nhất có thể.
Dẫu biết mỗi chương trình đều có một tiêu chí khác nhau để đánh giá. Mỗi một đội ngũ giám khảo sẽ có cách chấm riêng của mình. Nhưng nếu đã là chọn người cho ngôi vị quán quân, thì ban tổ chức nên để họ bộc lộ được tài năng của mình.
Hoặc không hãy dựng chương trình sao để khán giả có thể cảm nhận thấy. Chứ đừng vì quá ham những khung giờ quảng cáo để cắt bớt những phần không cần thiết rồi cũng từ đó để làm mất đi chính sự yêu mến của khán giả.