Trong nỗ lực phấn đấu trở thành một thành phố Festival của Việt Nam, Festival Huế 2014 “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, diễn ra từ ngày 12 đến 20/4/2014 sẽ mang đậm tính nhân văn, vẫn giữ cốt cách truyền thống...
Nhưng cũng có sự thể hiện mới mẻ để nhân dân và du khách vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể hưởng thụ.
Thành phố của di sản văn hoá thế giới
Trung tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế là TP Huế, một thành phố cố đô có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Cố đô Huế là kinh đô một thời của Việt Nam, nổi tiếng với một hệ thống những đền, chùa, thành quách, lăng tẩm, kiến trúc nguy nga tráng lệ gắn liền với cảnh quan thiên nhiên núi sông thơ mộng.
Quần thể di tích cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một số vùng phụ cận của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của Thừa Thiên - Huế, là cố đô của Việt Nam thời kỳ phong kiến triều nhà Nguyễn, từ năm 1802 đến năm 1945. Quần thể di tích cố đô Huế là những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX trên địa bàn kinh đô Huế xưa; nay thuộc phạm vi TP Huế và một số vùng phụ cận tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hình ảnh tại Festival Huế năm 2012
Tổng thể kiến trúc của cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng với diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.
Ba tòa thành này được đặt lồng vào nhau, bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên.
Cố đô Huế còn là nơi lưu giữ rất nhiều những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Ngày 11/12/1993, quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, cố đô Huế là một trong 34 di tích được Thủ tướng chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Thành phố Festival với những lễ hội độc đáo, hấp dẫn
Festival Huế là hình thức lễ hội đương đại, được phát triển dựa trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm mô hình tổ chức. Tại đây, không chỉ có các chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn, mang tính đại diện và dấu ấn của nhiều nền văn hóa trên thế giới để người dân và du khách cùng tham gia và hưởng thụ mà còn có các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội cộng đồng và các loại hình nghệ thuật… được dày công tái tạo, giữ gìn và phát triển.
Với mục đích góp phần khẳng định nền văn hóa Việt Nam là thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đẩy mạnh việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với khu vực và thế giới; góp phần tạo dựng, bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong xu thế hội nhập quốc tế; tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống văn hóa Huế với phát triển kinh tế dịch vụ du lịch, thương mại… năm 2000, Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức.
Hình ảnh tại Festival Huế năm 2012
Được sự đồng ý của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, với sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, sự phối hợp của các Bộ, ngành chức năng, Festival Huế 2000 đã được tổ chức thành công. Tuy lần đầu được tổ chức nhưng đã có hơn 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 6.000 lượt khách quốc tế. Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật, một đợt tổng diễn tập hoạt động giao lưu về văn hóa, mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa sâu sắc, là hoạt động thí điểm quan trọng để rút kinh nghiệm, chỉ đạo các kỳ Festival tiếp theo. Từ đó đến nay đã diễn ra 7 kỳ Festival Huế, định kỳ hai năm/lần.
Gần đây nhất, Festival Huế 2012 có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử” là điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ Huế - 2012. Hơn 65 đoàn, nhóm nghệ thuật đa sắc màu văn hóa đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ của 5 châu lục và Việt Nam trình diễn các chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa đặc sắc, ấn tượng; thu hút trên 2 triệu lượt khách; trong đó có hơn 80.000 lượt khách quốc tế. Trong 9 ngày diễn ra Festival 2012, số lượng khách tham quan các di tích Huế đạt 78.626 lượt, trong đó có 38.874 lượt khách quốc tế…
Sau 4 kỳ Festival được tổ chức thành công, có tiếng vang lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế, ngày 30/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 143/2007/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng TP Huế thành thành phố Festival. Theo đó, mục tiêu đặt ra là xây dựng Huế thành thành phố Festival mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam; đưa Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hòa với thành phố Festival, làm động lực phát triển kinh tế, góp phần đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đã qua 7 kỳ Festival, Huế từng thu hút nhiều chương trình nghệ thuật của các quốc gia, vùng lãnh thổ ở năm châu lục có mặt, trở thành điểm hẹn của các di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại. Đây là nơi quy tụ, gặp gỡ đặc sắc của nhiều chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, qua đó góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam nói chung và cố đô Huế nói riêng.
Năm nay, Festival Huế 2014 (lần thứ 8) với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ tiếp tục là nơi tụ hội các thành phố cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới; là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ Diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ Latinh do Bộ Ngoại giao đề xướng. Nếu như Festival Huế năm 2000 mới chỉ có diễn viên ở 4 quốc gia tham gia, thì năm nay sẽ quy tụ các chương trình nghệ thuật chất lượng cao của 68 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc năm châu lục tham dự.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Festival Huế không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và du lịch mà còn cả trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa. Cộng đồng quốc tế đến với Huế sẽ tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau thông qua ngoại giao văn hóa. Các doanh nghiệp đồng hành với Festival Huế đều hiểu rằng, họ đã và đang góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.