Sở hữu các phi đội máy bay chiến đấu được xếp vào hàng lớn nhất Trung Đông với lần lượt là 17 và 14 phi đội, Iran và Israel được đánh giá là “kẻ tám lạng, người nửa cân” nếu hai bên đụng độ không đối không quy mô lớn.
Đáng chú ý là cả hai quốc gia đều phụ thuộc rất nhiều vào các máy bay chiến đấu từ thời Chiến tranh Lạnh, với hầu hết máy bay của Iran được mua trước khi Liên Xô tan rã. Trong khi đó, ngoài một phi đội rưỡi F-35, toàn bộ phi đội của Israel chỉ bao gồm các phiên bản cũ hơn của F-15 và F-16, những loại máy bay không còn thuộc diện tiên tiến.
F-15 đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kế hoạch tấn công của Israel vào Iran nhờ tầm hoạt động, khiến đây là loại máy bay duy nhất có khả năng hoạt động sâu trong không phận Iran mà không cần tiếp nhiên liệu trên không.
F-15 cũng có khả năng mang theo khối lượng vũ khí lớn hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác của phương Tây, điều này rất quan trọng để Israel có thể phá hủy các công trình kiên cố bằng việc sử dụng số lượng lớn bom phá boongke. Vai trò của F-15 khiến nhiều người suy đoán về kết quả của các cuộc đụng độ tiềm tàng với dòng máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Iran là MiG-29.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với Không quân Israel, nhưng đội F-15 của Israel là đội máy bay chiến đấu cũ nhất và kém hiệu quả nhất trên thế giới. Israel là quốc gia duy nhất còn sử dụng biến thể F-15A/B từ giữa thập niên 1970, với 14 chiếc, cùng với 36 chiếc F-15C/D mới hơn nhưng vẫn lỗi thời.
Biến thể F-15 hiện đại nhất của Israel là F-15I, chỉ được triển khai trong một phi đội duy nhất với 25 chiếc. Dù tương đối lỗi thời, F-15I vẫn vượt trội hơn nhiều so với các máy bay F-15 hiện đại được triển khai trong không quân Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore và một số nước khác.
Độ tuổi của đội máy bay F-15 khiến khả năng sẵn sàng chiến đấu giảm đáng kể và chi phí hoạt động tăng cao, trong khi hệ thống radar quét cơ học cũ kỹ dễ bị nhiễu sóng. Tuy nhiên, những máy bay này đã chứng tỏ tính hữu dụng trong các cuộc tấn công vào các vùng lãnh thổ có hệ thống phòng không yếu, chẳng hạn như Yemen và miền Nam Lebanon.
F-15 là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư đầu tiên được đưa vào biên chế của lực lượng không quân phương Tây vào năm 1975, và để đáp trả, Liên Xô đã tăng tốc phát triển các dòng máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27. Hai loại máy bay hạng trung và hạng nặng này cung cấp cho Liên Xô sự kết hợp giữa hai phương án cao - thấp.
Khi được thử nghiệm vào thập niên 1990, Su-27 tỏ ra vượt trội hơn so với F-15 trong chiến đấu không đối không, trong khi MiG-29, với kích thước nhỏ hơn, gặp nhiều bất lợi so với máy bay chiến đấu hàng đầu của Mỹ lúc bấy giờ.
Mặc dù Iran dự kiến sẽ mua Su-27 vào những năm 1990, nhưng sự tan rã của Liên Xô đã khiến Nga phải ngừng cung cấp vũ khí cho nước này do áp lực từ phương Tây. Tuy nhiên, trước khi Liên Xô tan rã, Moscow đã cung cấp cho Iran hai phi đội MiG-29 với khoảng 35 máy bay, và đây vẫn là những máy bay chiến đấu hiện đại nhất có nguồn gốc nước ngoài trong kho vũ khí của Iran.
Mặc dù hiện nay cả F-15 và MiG-29 vẫn đang được sản xuất nhưng cả Israel và Iran đều không triển khai các biến thể thế kỷ 21 của những máy bay này, mà chủ yếu dựa vào các mô hình cũ với một số cải tiến nội địa ít ỏi.
Đội F-15 của Israel là cũ nhất thế giới, trong khi Iran bắt đầu nhận MiG-29 gần 15 năm sau khi Israel nhận F-15. Israel vẫn tiếp tục sử dụng F-15 nhờ tầm hoạt động và khả năng mang vũ khí cao của dòng máy bay này, bất chấp tuổi đời của nó. Trong khi Iran tiếp tục sử dụng MiG-29 do các lý do chính trị không cho phép nước này thay thế bằng các máy bay hiện đại hơn.
Khi so sánh hiệu suất, F-15 của Israel có tốc độ và độ cao bay tối đa cao hơn, radar lớn hơn và mạnh hơn, cũng như khả năng triển khai tới tám tên lửa không đối không. MiG-29 của Iran, mặc dù chỉ mang được sáu tên lửa, nhưng sử dụng các mẫu tên lửa hiện đại hơn so với hầu hết F-15 của Israel, và có tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng cao hơn nhiều cùng với khả năng cơ động vượt trội, đặc biệt ở tốc độ thấp.
MiG-29 cũng được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại (IRST) như một cảm biến phụ - một tính năng mà không loại máy bay chiến đấu nào của Israel có, ngoại trừ F-35 mới. Những hệ thống này cho phép máy bay duy trì nhận thức tình huống và tấn công mục tiêu mà không phát ra tín hiệu radar, đặc biệt hữu ích cho những máy bay cũ sử dụng radar quét cơ học dễ bị nhiễu.
Ưu thế lớn nhất mà MiG-29 có trong các trận chiến không đối không là hệ thống ngắm gắn trên mũ bảo hiểm và khả năng bắn ngoài trục với tên lửa R-73. Điều này cho phép MiG-29 tấn công mục tiêu từ góc cực kỳ xa mà không cần hướng máy bay về phía đối phương.
Khả năng này lần đầu tiên được NATO thử nghiệm vào thập niên 1990 khi MiG-29 của Đông Đức được thu giữ, và đã chứng minh ưu thế áp đảo trong các cuộc chiến tầm gần với tất cả các dòng máy bay phương Tây, khiến Mỹ phải phát triển tên lửa AIM-9X.
AIM-9X được đưa vào sử dụng giữa thập niên 2000, dù các biến thể mới nhất của tên lửa này vượt trội so với R-73 nhưng chúng chưa được tích hợp lên F-15 của Israel. Trong khi đó, tên lửa Python 5 nội địa mới nhất của Israel được coi là gần như ngang ngửa với các phiên bản AIM-9X và có thể được trang bị cho F-35, nhưng những tên lửa này lại chưa được triển khai trên F-15. Bởi trước hết cần phải nâng cấp thêm hệ thống điện tử mới, bao gồm cả hệ thống ngắm gắn trên mũ bảo hiểm.
Với việc F-15 của Israel sử dụng các tên lửa cũ buộc phải quay mũi về phía MiG-29 để bắn, điều này mang lại lợi thế lớn cho các phi công điều khiển MiG-29.
Một yếu tố quan trọng có lợi cho Israel trong tương lai dài hạn là mặc dù đội F-15 của nước này phần lớn đã lỗi thời, các máy bay này sẽ được thay thế bằng các biến thể hiện đại của F-15EX mới, vượt trội về mọi mặt so với các máy bay hiện tại.
F-15EX được coi là dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư mạnh nhất thế giới hiện nay ngoài Trung Quốc, sẽ mang lại lợi thế lớn trước bất kỳ dòng máy bay nào trong kho vũ khí của Iran ở mọi khoảng cách.
Ngược lại, Iran không có dấu hiệu thay thế MiG-29 trong ít nhất một thập kỷ tới, mặc dù Nga đã bán biến thể MiG-29M hiện đại cho Ai Cập và Algeria. Hơn nữa, trong khi F-15 nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ Không quân Hoa Kỳ để hiện đại hóa, Bộ Quốc phòng Nga lại ít chú trọng đến MiG-29 - điều này có nghĩa là ngay cả các biến thể mới nhất của MiG-29 cũng sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với F-15EX.
Cuối cùng, dù MiG-29 của Iran có thể đặt ra thách thức lớn đối với F-15, thậm chí với F-16 của Israel, nhưng về lâu dài, việc Iran không mua sắm máy bay chiến đấu mới sẽ đảm bảo rằng thế hệ F-15 tiếp theo của Israel, dự kiến sẽ được bàn giao vào đầu thập niên 2030, sẽ chiếm ưu thế lớn.