Nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, đơn vị, doanh nghiệp, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, công tác điều chỉnh phụ tải điện được chú trọng.
Khách hàng ký thỏa thuận tham gia chương trình DR với Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ
Chủ động trong thực hiện
Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (DSM) có mục tiêu tổng quát là triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, kinh tế - xã hội để thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, trong đó sự tham gia chủ động của khách hàng (KH) sử dụng điện đóng vai trò quan trọng góp phần bảo đảm cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.
Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) là một hình thức của chương trình DSM, trong đó khuyến khích KH chuyển việc sử dụng điện sản xuất từ giờ cao điểm sang khung giờ thấp điểm; KH nhận được các lợi ích thông qua giá điện hoặc cơ chế tài chính trực tiếp…
Theo Tổng Giám đốc EVN SPC Nguyễn Phước Đức, việc DR đã được đơn vị thực hiện hiệu quả từ năm 2010 để luôn bảo đảm cấp điện ổn định cho 21 tỉnh, thành phía nam thông qua những giải pháp chủ động, linh hoạt. EVNSPC đã triển khai Quyết định 279 đến các công ty Điện lực trực thuộc để triển khai nhiều hội nghị KH, công tác tuyên truyền về công tác DR qua đó nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng các doanh nghiệp (DN) để kịp thời tư vấn, hỗ trợ thông tin.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, việc DR được EVNSPC tiến hành trong hai trường hợp: Thiếu nguồn có kế hoạch và thiếu nguồn đột xuất. Với trường hợp thiếu nguồn có kế hoạch (nguồn phát không bảo đảm, bảo trì các nguồn khí hàng năm), EVNSPC sẽ căn cứ các phương án, kế hoạch cung cấp điện đã được UBND các tỉnh phê duyệt, từ đó lựa chọn nhóm KH tiết giảm công suất hoặc sản lượng theo các biên bản đã thoả thuận.
Đối với trường hợp thiếu nguồn đột xuất, EVNSPC lựa chọn nhanh nhóm KH tham gia sự kiện, tính toán sản lượng, công suất theo lịch sử bảy ngày liền kề ngày bắt đầu sự kiện. Đồng thời, thông báo nhanh đến KH cùng phối hợp thực hiện.
Tạo đồng thuận với khách hàng
Kinh nghiệm từ EVNSPC cho thấy, trong các trường hợp DR, đơn vị đều rà soát thông tin sử dụng điện năm trước, kết hợp với chủ trương của địa phương, từ đó lập sơ bộ danh sách KH quan trọng cần ưu tiên cấp điện; làm việc với KH lớn có sản lượng từ 50.000 kWh/tháng trở lên, đặc biệt, KH sắt thép, xi-măng, hóa chất, có nguồn phát điện riêng, lập đăng ký nhu cầu sử dụng điện. Từ đó, đề nghị KH tự tiết giảm công suất, tiết giảm sản lượng, hỗ trợ ngành Điện trong trường hợp thiếu nguồn.
Với những giải pháp chủ động, từ năm 2013 đến nay, tình hình cung cấp điện của EVNSPC đã đi vào nề nếp, có kế hoạch và phương án cụ thể, phản ứng và triển khai nhanh khi có sự kiện đột xuất. Ngoài ra, để công tác DR đạt hiệu quả thì việc tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của KH là yếu tố quan trọng nhất.
Năm 2018, thực hiện ký kết thỏa thuận với khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm tham gia chương trình DR phi thương mại, EVNSPC thực hiện đạt đạt 91,2%/90% kế hoạch EVN giao đối với các khách hàng tiêu thụ lượng điện trên ba triệu kWh/ năm; đối với khách hàng (tiêu thụ từ một đến ba triệu kWh/năm hiện đơn vị đang triển khai thực hiện 3.509 khách hàng, đã làm việc với 2.439 khách hàng, đã ký thỏa thuận với 1.866 khách hàng; đạt tỷ lệ 53,18%. Từ đầu năm đến nay, EVN SPC cũng đã thực hiện 11/13 sự kiện DR.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai công tác DR, EVNSPC cũng gặp những trở ngại nhất định. Đó là nhiều DN chưa có “tiếng nói chung” trong công tác này do liên quan đến những đặc thù riêng trong vận hành sản xuất.
Hiện nay, quá trình thực hiện công tác DR chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà chưa có tính ràng buộc pháp lý nên trong một số trường hợp đơn vị khá bị động, ví dụ như: trước đó KH đồng ý tham gia nhưng khi có sự kiện lại chưa thể thực hiện do dây chuyền sản xuấtđang hoạt động cao điểm…
Ngoài ra, có những sự kiện EVNSPC nhận được yêu cầu trước thời điểm thực hiện từ 2-6 giờ, rất khó thông báo để KH kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất; để Tổng công ty có căn cứ thông báo với khách hàng, EVN cũng cần nêu lý do thực hiện sự kiện DR để công tác này thuận tiện hơn.
Hiện nay, các chương trình DR chủ yếu được thực hiện theo cơ chế phi thương mại, khuyến khích KH tự nguyện tham gia với ưu đãi từ các dịch vụ chăm sóc KH. Ưu đãi này chưa thể khiến nhiều DN quan tâm. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng chế tài điều chỉnh phụ tải thương mại, tạo động lực cho DN. Ngoài ra, việc thường xuyên quan tâm, sâu sát, chia sẻ những khó khăn của cả hai bên; phối hợp với các cơ quan chức năng vận động KH để tạo sự đồng thuận. Thời gian tới, EVNSPC sẽ phối hợp với các đơn vị trong Tập đoàn ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống điều chỉnh phụ tải điện ngày càng hiệu quả hơn.