Giá điện tăng thêm 5% kể từ ngày 20-12, sau cái mốc 15-12, ngày chốt số liệu để tính chỉ số CPI tháng 12 được các chuyên gia gọi là thiếu minh bạch và sòng phẳng với khách hàng, những người tiêu dùng đang nuôi ngành điện với mức sống cao hàng đầu so với nhiều ngành sản xuất khác.
Người ta chợt nhớ cách né trạm cân xe Dầu Giây trên đường 51 của các xe siêu trường siêu trọng. Trò né cân này có thể cho số liệu ảo về số lượng xe quá tải trọng qua trạm cân nhưng trên thực tế loại xe này vẫn chạy trên đường, vẫn phá đường. Nhờ né ngày tăng giá, CPI tháng 12 này không “vướng” giá điện tăng, sẽ “đẹp” hơn trong báo cáo thống kê một tháng nhưng sẽ làm “xấu” số liệu tháng sau, quý sau và cả năm 2012.
Ảnh minh hoạ
Đã có lời ta thán, bất bình với động thái tăng giá điện nói trên của EVN trong khi những thông tin về kết quả kiểm toán đã lộ diện cung cách làm ăn bê bết của EVN mô hình xấu của việc biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Khó mà thanh minh thanh nga cho việc lương của dân gián tiếp ở văn phòng tập đoàn này là 13,7 triệu đồng/tháng. Và ghê gớm hơn là mức lương 150 triệu của cái ông thuyền trưởng đang làm đắm con tàu EVN. Ta hãy chờ kết quả thanh tra tiền lương khủng của EVN, khi ấy bàn luận tiếp cách xử lý cũng chưa muộn.
Theo giải trình của Bộ Công Thương và EVN, mức tăng giá lần này chỉ khoảng 5% nên doanh nghiệp không phải chờ ý kiến phê duyệt của Thủ tướng. Đồng thời EVN cũng không tăng giá bán đối với hộ nghèo và bậc thang điện sinh hoạt 0-100kWh. Rất có thể việc phân cấp quyền tự quyết cho doanh nghiệp với tỷ lệ dù chỉ 5% là có sơ hở, vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng nếu như đã được phép, đến hết quý 1 năm 2012 EVN lại tăng 5% thì sao. Chịu không thể trả lời được! Theo các nhà kinh tế, ý kiến của EVN rằng các hộ nghèo không bị ảnh hưởng vì giá điện không tăng, nhưng các mặt hàng khác đều bị đội lên. Do vậy, việc EVN lẳng lặng tăng giá ở thời điểm năm hết tết đến này, dù nói thế nào đi nữa, cũng là không sòng phẳng với xã hội và người tiêu dùng.
Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã nêu các ngành phải bù lỗ nặng nhất là thép hay xi măng… Do vậy, theo các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh giá điện cần tính cho những ngành đó, thay vì cả xã hội cùng gánh chịu. Điều chỉnh giá điện đối với các ngành hiện đại “hại điện” phải buộc họ phải tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, ngành điện cũng phải xem lại mình. Bên cạnh câu chuyện đầu tư ngoài ngành thì rất nhiều khoản đầu tư “đúng ngành” của EVN cũng được đánh giá là kém hiệu quả, gây tổn thất lớn. Chính những yếu tố này đã góp phần làm đội giá thành sản xuất điện. Và cuối cùng, chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu thông qua những lần điều chỉnh đột ngột như thế này.
Tại buổi sơ kết mô hình Tập đoàn - Tổng Công ty Nhà nước trước đó 10 ngày, ngày 9-12, đề xuất tăng giá điện cũng được Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh đề xuất. Khẳng định việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản theo hướng thị trường là mục tiêu kiên quyết nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu dù đây là việc phải thực hiện theo lộ trình, nhưng cần tránh gây sốc cho nền kinh tế. Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, EVN có thể dần thực hiện điều chỉnh giá bán ngang với giá thành nhưng không cho phép tăng giá mạnh (15-20%) ngay trong tháng 12 này. Vì vậy EVN đã né bằng cách âm thầm tăng 5% vào ngày 20 chứ không chờ đến ngày 5 tháng sau. Đây mới thật là “né ngoạn mục”.
Bảo Dân