Theo thống kê của Vietstock, năm 2013 ngành Dược phẩm là ngành dẫn đầu toàn thị trường về thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) với 6,393 đồng; ngược lại 2 nhóm ngành có EPS âm là Sản xuất Vật liệu Xây dựng và Sản xuất Cơ khí.
EPS cơ bản 2013 của các nhóm ngành trên toàn TTCK |
Trong năm 2013, ngành Dược phẩm tiếp tục là ngành gặt hái được nhiều thành công khi mà trong 11 doanh nghiệp niêm yết chỉ duy nhất PPP bị lỗ 3.9 tỷ đồng; các doanh nghiệp còn lại tạo ra tổng cộng 1,100 tỷ đồng lãi ròng, trong đó riêng ông lớn DHG đã chiếm trên 50% với 589 tỷ đồng. Tuy vậy so với các năm trước, mức tăng trưởng EPS của ngành Dược không cao, trong 2 năm 2012 và 2011 EPS duy trì ở ngưỡng 6,000 đồng, còn 2 năm trước đó nữa thì trên 7,000 đồng.
Kém hơn ngành Dược phẩm về con số tuyệt đối nhưng xét về tương đối, ngành Tiện ích công lại có mức tăng trưởng EPS rất đáng nể, từ năm 2011 đến nay, EPS ngành này đã tăng gấp đôi lên 5,126 đồng. Nếu như năm 2012, EPS ngành tiện ích công tăng 55% là nhờ sự bứt phá về lợi nhuận của GAS thì sang năm 2013 chỉ số này có thêm sự hỗ trợ từ PPC.
Cụ thể, lãi ròng năm 2012 của GAS đạt gần 10 ngàn tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2011 và chiếm 81% toàn ngành. Bước sang năm 2013, bên cạnh hơn 12.2 ngàn tỷ đồng lợi nhuận của GAS thì PPC cũng bứt phá mạnh mẽ và trở thành doanh nghiệp thứ hai trong ngành có lãi ròng ở hàng ngàn tỷ đồng với 1,631 tỷ đồng (năm 2012 chỉ 504 tỷ đồng). Năm 2013, EPS của GAS và PPC lần lượt đạt 6,460 đồng và 5,128 đồng. Bên cạnh đó, các ngành như CNTT – Truyền thông, DV Lưu trú và Giải trí, Thiết bị điện – Điện tử - Viễn thông cũng tăng trưởng rất tích cực. Một số mã cổ phiếu khá nổi trội, EPS vượt xa con số bình quân trong các ngành này như ADC, DAD, ECI, DSN, CJC, DQC, RAL…
Ngược lại, Sản xuất Cao su, Thủy sản, Xây dựng là những ngành có EPS thụt lùi đáng chú ý. Trong đó, đặc biệt nhất là ngành Sản xuất Cao su, với tình hình giá cao su thiên nhiên giảm dần chưa thấy đáy thì EPS đã giảm hơn một nửa tính từ năm 2011 đến nay. Năm 2011, ngành Sản xuất Cao su là ngành sáng giá nhất khi EPS đạt 12,402 đồng, cao nhất toàn thị trường. Qua hai năm giá sản phẩm đầu ra giảm liên tục khiến lợi nhuận ngành vơi đi 53%, và hệ quả là EPS của ngành chỉ còn 5,797 đồng.
Tuy nhiên, bi đát nhất là ngành Sản xuất Vật liệu xây dựng và Sản xuất Cơ khí, đây hai ngành có EPS âm trong năm 2013. Trong 3 năm gần đây, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc hai ngành này không tốt bởi yếu tố thị trường và tình hình chung của nền kinh tế không mấy khởi sắc.
Với ngành Vật liệu xây dựng, lợi nhuận toàn ngành đã giảm dần từ gần 700 tỷ ở năm 2011 xuống 225 tỷ đồng trong năm 2012 và đến năm 2013 thì bị lỗ khoảng 200 tỷ đồng. Ngành Cơ khí thì bị lỗ 8 tỷ đồng năm 2013 trong khi năm 2011 toàn ngành lãi 126 tỷ đồng. Trong đó, EPS ngành Cơ khí bị kéo lùi bởi khoản lỗ của GGG, còn ngành Xây dựng thì bởi lợi nhuận của các doanh nghiệp PXM, PVX, PGS.
EPS cơ bản giai đoạn 2011 - 2013 của các nhóm ngành trên TTCK |
Đối với ngành đặc thù như Bảo hiểm, Ngân hàng cũng đang ghi nhận mức EPS giảm dần xét trong giai đoạn 3 năm gần đây. Với ngành Ngân hàng, EPS năm 2013 chỉ đạt 1,524 đồng, giảm 45% so với năm 2011, ngành Bảo hiểm giảm 16% xuống 1,606 đồng. Còn ngành Chứng khoán thì khá khả quan hơn khi EPS 2013 đạt 653 đồng, năm 2011 âm 351 đồng và năm 2012 dương 513 đồng.
Mỹ Hà