Có bạn đọc đặt vấn đề một tình huống như sau: Một vụ án dân sự tranh chấp về hợp đồng dân sự theo khoản 3 Điều 25 BLTTDS.
Gần đến ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử (còn 4 ngày) Tòa án tiến hành hòa giải, tại phiên hòa giải các đương sự thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết trong vụ án. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải lập biên bản hòa giải thành, sau đó gửi ngay cho đương sự tham gia hòa giải.
Bạn đọc cho biết tình huống này đang có ý kiến khác nhau về việc đến ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hay không? Có ý kiến cho rằng: Thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa HĐXX hỏi các đương sự về việc có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó không? Nếu có đương sự thay đổi ý kiến thì HĐXX tiến hành xét xử luôn, còn nếu không có đương sự thay đổi ý kiến thì HĐXX ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Có như vậy mới thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 179 BLTTDS.
Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử mà chờ đến hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Các ý kiến này chưa có lời kết.
Chúng tôi thấy rằng, căn cứ nội dung các điều từ Điều 179 đến Điều 187 BLTTDS và các Điều 20, 21 của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì có hai cách thức giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm.
Cách thức thứ nhất: Giải quyết tại phiên tòa. Cách thức này áp dụng đối với trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết các vấn đề phải giải quyết của vụ án bao gồm cả trường hợp tại phiên hòa giải các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết của vụ án, nhưng sau đó có đương sự thay đổi sự thỏa thuận đó. Thẩm quyền giải quyết theo cách thức này là HĐXX của Tòa án. Văn bản tố tụng sau khi kết thúc phiên tòa là bản án do HĐXX của Tòa án áp dụng pháp luật giải quyết vụ án.
Một vụ hòa giải tại Tòa án quận Ninh Kiều, Cần Thơ.
Cách thức thứ hai: Các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết các vấn đề phải giải quyết của vụ án bao gồm cả án phí. Cách thức này bao gồm trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau tại phiên hòa giải do Tòa án tiến hành và trường hợp do các đương sự thỏa thuận với nhau thì Thẩm phán được Chánh án phân công giải quyết vụ án đều phải lập biên bản hòa giải thành để gửi cho các đương sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 187 BLTTDS thì hết thời hạn bảy ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó, thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này là văn bản tố tụng của cách thức giải quyết thứ hai đối với vụ án.
Nguyên tắc về sự thỏa thuận của các đương sự được Tòa án công nhận là đương sự tự nguyện, nội dung thỏa thuận không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được xác định như hiệu lực của bản án. Cụ thể là tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 có quy định quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật là quyết định được thi hành theo Luật Thi hành án dân sự.
Việc lựa chọn cách thức giải quyết vụ án dân sự là do các đương sự tự quyết định. Trong thực tế, có nhiều vụ án khi Tòa án tiến hành hòa giải thì các đương sự không thỏa thuận được với nhau, nhưng sau đó các đương sự lại thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết các vấn đề phải giải quyết của vụ án và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó để không phải giải quyết tại phiên tòa.
Hai cách thức giải quyết vụ án dân sự mà chúng tôi trình bày ở trên thì chúng ta nhận thấy là: giải quyết vụ án theo cách thức nào thì Tòa án phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải quyết được quy định trong BLTTDS đối với cách thức giải quyết đó và không được thực hiện trình tự, thủ tục của cách giải quyết vụ án tại phiên tòa đối với vụ án mà các đương sự tự thỏa thuận với nhau hoặc ngược lại.
Do đó tình huống mà bạn đọc cho biết là còn 4 ngày là hết thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 179 BLTTDS, các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết các vấn đề phải giải quyết của vụ án thì Tòa án căn cứ vào quy định của BLTTDS về giải quyết vụ án theo sự thỏa thuận của các đương sự để ra văn bản tố tụng cho đúng với pháp luật. Cụ thể là:
- Phải lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.
- Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quy định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại khoản 1 Điều 187 BLTTDS.
Ngoài các văn bản này, Tòa án không phải ra văn bản tố tụng nào khác.