Đường lối đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc sau Đại hội XIII

Trọng Bằng| 04/02/2021 18:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.

viet-nam-san-sang-chi-se-kinh-nghiem-tham-gia-cptpp-voi-anh.jpg
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Chiều 4/2, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời một số câu hỏi về đường lối đối ngoại của Đảng và Chính phủ Việt Nam sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trả lời câu hỏi liên quan tới đường lối đối ngoại của Đảng và Chính phủ Việt Nam với Đảng và Chính phủ Trung Quốc sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Đại hội đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp. Đại hội lần này đã khẳng định Việt Nam kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, mong muốn quan hệ Việt-Trung luôn phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, ngày 1/2, Anh chính thức đề nghị gia nhập CPTPP, đúng một năm sau khi chính thức rời Liên minh châu Âu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: Chúng tôi đã được biết về thông tin này.

CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về hợp tác của các nước trong khu vực. Các nước thành viên CPTPP đã thống nhất quy trình gia nhập. Theo đó, các nền kinh tế quan tâm cần đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp định và quy trình gia nhập này.

Anh là đối tác thương mại quan trọng của các nước thành viên CPTPP trong đó có Việt Nam. Việt Nam ủng hộ Anh tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với khu vực và sẵn sàng chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP với Anh.

Trước đó, theo Reuters, ngày 1/2, Anh chính thức đề nghị gia nhập CPTPP, hiện gồm 11 nước, trong đó có Việt Nam, để mở ra những con đường mới cho thương mại hậu Brexit.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, việc nước Anh trở thành thành viên của CPTPP sẽ chứng minh rằng "một năm sau khi chúng tôi rời EU, chúng tôi đang xây dựng những quan hệ đối tác mới".

Trên tờ Financial Times, Thủ tướng Johnson hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng quyết định gia nhập CPTPP, mở ra "cánh cửa hậu" giúp quan hệ thương mại Mỹ - Anh thắt chặt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường lối đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc sau Đại hội XIII