Ngày 1/10, nhiều phạm nhân được đặc xá trở về với gia đình, xã hội. Con đường hoàn lương, “rũ bùn đứng dậy” sẽ bớt chông chênh, gập ghềnh khi có sự chung tay của các đơn vị, cộng đồng, người thân và nguồn vốn vay hỗ trợ. Có quyết tâm, sức lực cộng với nguồn vốn ban đầu sẽ là trợ lực cho những người từng lầm lỗi khởi nghiệp.
Trên hành trình của mỗi con người có nhiều khúc cua, điểm rẽ. Có những thời điểm nhiều yếu tố chi phối khiến hành động lầm đường, lạc lối. Cái giá phải trả là những tháng ngày đăng đẳng phía sau song sắt trại giam. Điều quan trọng nhất là nhìn nhận ra sai lầm để hối cải, quyết tâm làm lại, trở thành người có ích, có công ăn việc làm và giúp đỡ người khác.
Thực hiện chương trình tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay huyện Thọ Xuân đã có 43 trường hợp được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, với số tiền giải ngân 4,140 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, không chỉ giúp những người đã từng lầm lỗi nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm, tự ti mà còn giúp họ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, làm lại từ đầu.
Trở về sau gần 7 năm chấp hành án phạt tù tại Trại giam số 5, Bộ Công an (đóng trên địa bàn huyện Yên Định), tháng 4/2019, anh Nguyễn Văn Toàn ở xã Nam Giang (Thọ Xuân) trở về đoàn tụ với gia đình. Những ngày trở về anh luôn mang trong mình những mặc cảm, tự ti, không dám đi đâu vì lo ngại sự dè biểu của mọi người. Song, bằng tình thương yêu của gia đình, nhất là người vợ luôn động viên, chia sẻ, an ủi đã giúp anh xóa mặc cảm, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Trút bỏ được những tư tưởng tiêu cực, anh đã bàn với vợ mua lợn sữa về nuôi. Để hỗ trợ anh có thêm vốn phát triển chăn nuôi, cuối năm 2023, Công an huyện Thọ Xuân phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành rà soát, thẩm định và quyết định cho anh Nguyễn Văn Toàn vay số tiền 100 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.
Không giấu nổi niềm vui khi được thụ hưởng chính sách nhân văn này, anh Toàn chia sẻ: Số tiền này đã hỗ trợ vợ chồng tôi đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, phục vụ tốt hơn cho việc chăn nuôi lợn của gia đình. Hiện nay, đàn lợn giống gần 30 con, gia đình đã bán 17 con và thu về trên 90 triệu đồng. Có công ăn việc làm ổn định, không chỉ giữ được những người từng lầm lỡ với con đường thiện lương mà còn giảm thiểu thời gian tụ tập, sa đà vào việc vô bổ dẫn tới sai lầm.
Quay đầu nhìn lại những tháng ngày đã qua, anh Đỗ Đình Tĩnh ở xã Xuân Trường (Thọ Xuân) phải lĩnh án 26 tháng tù giam tại Trại giam Thanh Phong về tội mua bán trái phép chất ma túy cảm thấy nuối tiếc về những năm tháng sống hoài, sống phí.
Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được người thân tạo điều kiện nhượng lại trang trại tổng hợp, 2 vợ chồng anh quyết định vay mượn, đầu tư phát triển kinh tế. Đầu năm 2024, vợ chồng anh được Công an huyện và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân giải ngân số tiền 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Từ nguồn vốn này, vợ chồng anh Tĩnh đã đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi. Với sự cần cù, chăm chỉ trong lao động, giờ đây anh Tĩnh dần bước qua mặc cảm, tự tin hơn trên con đường hoàn lương của mình. Không chỉ có đồng ra đồng vào mà gia đình anh còn tích cực tham gia các hoạt động của thôn, công tác ủng hộ đồng bào bão lũ hay bị thiên tại địch họa.
Những ngày tháng hôm nay, anh Tĩnh như trân trọng cuộc sống, gia đình, anh em, bạn bè hơn. Ý thức được việc hoàn lương là việc phải làm không chỉ cho bản thân mà còn “trả nợ ân tình” những người đã tin yêu, thời gian quản giáo và cộng đồng dang tay tạo điều kiện làm lại.
Thời gian qua, Công an huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chính quyền các địa phương rà soát, bình xét những đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, giúp họ có vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
Tính tới 30/9/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân cho 356 trường hợp chấp hành xong án phạt tù, với tổng số tiền đã giải ngân 31,8 tỷ đồng. Qua nắm bắt, các hộ gia đình sau khi được tiếp cận vốn đều sử dụng đúng mục đích và bước đầu đem lại hiệu quả thu nhập.
“Không ai bị bỏ lại phía sau” trong đó có những người từng lầm lỗi sẽ góp phần làm cho xã hội ngày một an toàn hơn, đáng sống hơn. Những người chấp hành xong án phạt tù, như sống một cuộc đời mới với sự chung tay của các đơn vị, chính quyền địa phương và ngân hàng. Qua đó mỗi gia đình giàu mạnh, hạnh phúc góp phần cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.