CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) và CTCP Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) vừa công bố tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 về việc sáp nhập hai công ty với nhau.
Theo đó, BHS sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu NHS để tiến hành việc sáp nhập. NHS sẽ đăng ký hủy niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) phục vụ cho việc sáp nhập. Sau khi hoán đổi cổ phiếu hoàn tất, BHS sẽ đăng ký niêm yết bổ sung số cổ phiếu đã phát hành thêm.
Thông tin này khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên bởi việc sáp nhập hai doanh nghiệp ngành mía đường chưa từng xảy ra trên sàn chứng khoán và ngay cả trong ngành mía đường cũng chưa thấy. Tuy nhiên, với những người theo dõi sát về cổ phiếu mía đường thì đây là bước đi tất yếu với nhiều hoạt động hợp tác từ lâu giữa 2 công ty.
Theo thông tin mới nhất nhận được từ Đại hội cổ đông của NHS thì việc hoán đổi sẽ thực hiện theo tỷ lệ 1:1, tức 1 cổ phiếu mới BHS hoán đổi với 1 cổ phiếu NHS. Như vậy, CTCP Đường Ninh Hòa sau khi hoán đổi cổ phiếu sẽ chuyển thành công ty TNHH một thành viên do CTCP Đường Biên Hòa kiểm soát 100% vốn. Bộ máy điều hành và sản xuất của NHS vẫn giữ nguyên trong năm đầu tiên sau sáp nhập. Từ năm thứ hai, BHS sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới.
Tính đến hết quý 1 vừa qua, BHS có vốn điều lệ gần 630 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 2,500 tỷ đồng. Tương tự, vốn điều lệ của NHS đạt 607.5 tỷ đồng và tổng tài sản trên 2,100 tỷ đồng. Nếu việc sáp nhập theo tỷ lệ 1:1 được thông qua thì công ty hợp nhất sẽ có tổng vốn điều lệ khoảng 1,237.5 tỷ đồng và tổng tài sản trên 4,600 tỷ đồng, trở thành công ty đường có quy mô tài sản lớn nhất thị trường và vốn điều lệ xếp thứ hai sau CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT) (1,485 tỷ đồng).
Sự khó khăn của ngành đường trong nước, với vùng nguyên liệu yếu, thiếu và lạc hậu; đường lậu hoành hành khắp nơi, doanh nghiệp sản xuất manh mún... Do đó, đứng trước thách thức hội nhập AFTA từ năm 2015 và TPP trong tương lai gần thì việc liên kết, cộng hưởng, sáp nhập để có những doanh nghiệp đường lớn mạnh, có thể hỗ trợ lẫn nhau và cạnh tranh với các nước trong khu vực là điều mà một số chuyên gia gần đây đã nhắc tới.
Với BHS và NHS, việc sáp nhập với nhau cũng không phải là điều quá lạ. Bởi trước đó, cả hai công ty đều đã có những công bố thông tin về việc ký kết hợp đồng giao dịch với nhau và với các công ty cùng ngành như CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (HOSE: SEC) và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây (SBT),… về việc mua bán, hỗ trợ lẫn nhau về vốn và kỹ thuật nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài các yếu tố về tài chính, những người có chuyên môn về ngành đường cho rằng, việc sáp nhập BHS và NHS sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho các hai công ty và cả cổ đông. Trước hết, BHS với thế mạnh về công nghệ sản xuất, sẽ giúp NHS hoàn thiện các dòng sản phẩm, nâng cao trình độ công nghệ, hỗ trợ NHS kinh nghiệm trong việc phát triển và kinh doanh các dòng sản phẩm chất lượng cao. Ngược lại, BHS sẽ thông qua NHS phát triển mạnh thị phần tại khu vực miền Bắc và miền Trung mà không cần phải đầu tư thêm một nhà máy sản xuất đường mới, đồng thời cũng giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, BHS cũng sẽ tận dụng sản phẩm của NHS (đường RS) để làm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đường tinh luyện (RE) có chất lượng cao hơn, thay vì phải đầu tư một nhà máy mới với chi phí lớn.
Sự kết hợp này còn giúp cho 2 công ty cùng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm của nhau, đồng thời tiết giảm các chi phí như vận chuyển, nghiên cứu, phát triển sản phẩm…, những yếu tố này tạo cơ sở để công ty có thể cung cấp cho người tiêu dùng khắp cả nước những sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn với giá cả cạnh tranh hơn. Mong là khi hai doanh nghiệp kết hợp mà có thể bổ sung được những điểm yếu và phát huy thế mạnh của nhau sẽ tạo nên một doanh nghiệp đủ mạnh về chất giữa ngành đường đang chật vật tìm lối đi như hiện nay.
Phượng Vũ