Kinh tế

Đừng để “điện sạch” sa lầy

Vĩnh Huy 28/12/2023 - 22:39

Các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời (ĐMT) cho biết, chưa bao giờ nhà đầu tư ĐMT gặp khó khăn như hiện nay khi nhà máy điện liên tục bị cắt giảm công suất phát điện, sản lượng điện bán được hàng tháng không đủ bù đắp chi phí hoạt động, nhà đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư ĐMT, hiện nay các nhà máy ĐMT đấu lưới thường xuyên bị cắt giảm công suất từ 30-100% tuỳ theo khung giờ, khiến họ bị thiệt hại nặng nề, thậm chí có doanh nghiệp đối diện với phá sản. Trong khi đó, EVN vẫn nhập khẩu ĐMT từ Trung Quốc, mua điện gió từ Lào để kinh doanh.

Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xem phát triển năng lượng sạch là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương; năng lượng tái tạo là năng lượng của tương lai.

anh-1.png
Nhiều nhà máy ĐMT đang gặp khó khăn vì liên tục bị cắt giảm công suất.

Việc EVN liên tục cắt giảm ĐMT là sự lãng phí “của trời cho”, làm cho nhà đầu tư ĐMT rơi vào thế khó khăn do vỡ phương án tài chính vì khi ký hợp đồng mua bán điện không có điều khoản nào liên quan đến việc phải bị cắt giảm công suất.

Thông thường hàng năm, EVN chỉ cắt giảm ĐMT vào mùa mưa bão vì các nhà máy thủy điện thừa công suất phát điện. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là cả 3 miền đang vào mùa hanh, khô, nhu cầu điện tăng cao, EVN kêu gọi người dân tiết kiệm điện do thiếu điện, nhưng EVN vẫn mạnh tay cắt giảm công suất của ĐMT.

Trong thời gian qua các doanh nghiệp “điện sạch” nói chung, ĐMT nói riêng đã nhiều lần kiến nghị, thậm chí cầu cứu đến diễn đàn Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN nhưng vẫn chưa nhận được giải pháp tối ưu hài hòa lợi ích các bên; chính sách giá mua điện đối với các dự án năng lượng tái tạo không ổn định.

anh-2.-dmt.png
Chính sách thu hút đầu tư chưa ổn định khiến nhà đầu tư năng lượng tái tạo chưa an tâm "rót" vốn đầu tư.

“Cần công bằng và khách quan khẳng định rằng, “điện sạch” là nhân tố mới, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải - Net Zero mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26. Năng lượng tái tạo còn là kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài và giải quyết việc làm, đóng góp rất lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thế nhưng việc cắt giảm công suất phát ĐMT của EVN từ những lý do thiếu thuyết phục và “ngẫu hứng” đã cho thấy sự thụt lùi về chính sách trong thu hút đầu tư, phát triển trên lĩnh vực này”, một nhà đầu tư chia sẻ.

Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích (giá FIT) ĐMT đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về giá FIT cho điện gió cũng hết hiệu lực từ ngày 31/10/2021. Đến nay cơ chế giá mua điện, cơ chế ưu đãi mới cho dự án ĐMT, điện gió vẫn chưa được ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để “điện sạch” sa lầy