Đức Long Gia Lai lại kinh doanh bết bát trong nửa đầu năm vì trích lập dự phòng nợ khó đòi hơn 280 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu quý II hơn 375 tỷ đồng và lỗ sau thuế 309 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi 11 tỷ đồng. Lũy kế sáu tháng đầu năm, công ty thu hơn 720 tỷ đồng và lỗ xấp xỉ 300 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Nguyễn Tường Cọt cho biết nguồn thu giảm mạnh bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc - nơi có nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của công ty - khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đây là nguồn thu chính của công ty, bên cạnh một số mảng kinh doanh phụ như thu phí trạm BOT, kinh doanh đá granite, điện, sản phẩm nông nghiệp...
Không những nguồn thu chính bị ảnh hưởng, Đức Long Gia Lai còn phải trích lập dự phòng với các khoản công nợ quá hạn liên quan đến công ty con ở nước ngoài. Điều này khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến, cộng thêm chi phí lãi vay hơn 180 tỷ đồng đã bào mòn toàn bộ lợi nhuận.
Đây là giai đoạn nửa đầu năm có kết quả kinh doanh tệ nhất trong lịch sử Đức Long Gia Lai. Hồi nửa đầu 2020, hoạt động của công ty cũng bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng khoản lỗ khi đó chỉ 295 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn của công ty tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 6.700 tỷ đồng, trong đó khoảng 4.700 tỷ đồng hình thành từ nợ phải trả. Công ty còn lỗ lũy kế đến 1.150 tỷ đồng.
Do chưa xóa được lỗ, cổ phiếu DLG vẫn đang nằm trong diện cảnh báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.
Trong văn bản giải trình sau khi công bố báo cáo tài chính, ông Cọt khẳng định công ty vẫn giám sát hoạt động kinh doanh của đối tác để tăng cường thu hồi công nợ quá hạn và hoàn nhập dự phòng. Nếu thuận lợi, công ty sẽ có lãi trong thời gian tới.
Ông Cọt cho biết thêm, Đức Long Gia Lai đang tái cấu trúc tình hình tài chính, phối hợp với ngân hàng và tổ chức tín dụng đưa ra nhiều phương án xử lý nợ, đẩy nhanh tiến độ pháp lý các dự án năng lượng để tìm đối tác huy động vốn hoặc chuyển nhượng.