Tranh luận vấn đề giá sách giáo khoa làm nóng nghị trường Quốc hội sáng nay (8/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa thời gian tới, nhưng thẩm quyền quyết định vẫn là của Quốc hội.
Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định giá sách giáo khoa do Bộ Tài chính quy định chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ về những giải pháp để giải quyết về vấn đề liên quan tới giá sách giáo khoa mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm trong thời gian qua?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây không phải mặt hàng nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản. Về đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết thẩm quyền quyết định của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm tham mưu trình. Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa thời gian tới nhưng thẩm quyền quyết định vẫn là của Quốc hội.
Tranh luận lại câu hỏi trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Châu Quỳnh tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ nguyên nhân của những khó khăn trong việc tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng mà Bộ chưa hoàn thành.
"Không hiểu vì sao hai năm qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính nhưng chưa thấy trả lời về việc đề xuất quản lý khung giá sách giáo khoa"?
Đại biểu cũng nêu rõ, việc này không phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng, nhưng cử tri và đại biểu mong muốn được giải thích rõ là có khó khăn gì trong việc đưa giá SGK vào diện bình ổn giá.
"Chúng ta cứ trả lời sắp tới, sắp tới, nhưng các em học sinh sẽ bị lỡ nhịp. Cần nói rõ để phụ huynh và học sinh biết khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, nhà nước, học sinh, phụ huynh", đại biểu Giao nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cá nhân Bộ trưởng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến vấn đề này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nêu rõ, khi sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục trong Luật giá thì chúng ta mới có cơ sở để triển khai. Hiện tại, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta chỉ có thể vận động các cơ quan chủ quản tiết giảm chi phí để giá sách giáo khoa hạ xuống và các em học sinh được thụ hưởng.
Tranh luận liên quan đến việc quản lý giá một mặt hàng trong đó có sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP.Hà Nội) bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói về việc thẩm định giá áp dụng đối với loại hàng chỉ mua bằng ngân sách Nhà nước. Khẳng định, tiền của người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học cũng rất quý, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt.
“Luật Giá cần được sửa đổi sao cho phục vụ Nhân dân được tốt nhất, đặc biệt là có sự hỗ trợ đối với gia đình có con đi học”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ vấn đề đại biểu nêu, trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu trong việc tính giá cơ sở là trách nhiệm của ai, có phải của Chính phủ không? Thuế nhập khẩu trong tính giá cơ sở không phải khi nào cũng là trách nhiệm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài các công cụ về thuế, vấn đề trợ giúp trực tiếp cho những đối tượng chịu tác động như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu trong Phiên họp chất vấn chiều ngày 07/6 như hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, lĩnh vực giao thông vận tải, cho người nghèo, người thu nhập thấp…. phải nghiên cứu toàn diện các công cụ, giải pháp quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước.
Liên quan vấn đề đại biểu Châu Quỳnh nêu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo, rà soát những nội dung cũng như nhiệm vụ trước đây chưa hoàn thành. Những vấn đề về thuế, dù là trách nhiệm của thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ hay của Chính phủ, của Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội... cũng cần phải đề xuất từ Bộ quản lý nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện nay cử tri và Nhân dân đang trông chờ phản ứng chính sách này, đề nghị Bộ trưởng quan tâm thể hiện quan điểm, nguyên tắc của mình. Bộ trưởng cho biết đã ban hành bao nhiêu văn bản đề xuất rất cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết định về giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu, và những mặt hàng khác không chỉ có vấn đề về thuế và phí mà còn có chi phí định mức, lợi nhuận định mức…