Trên chặng đường hơn 50 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp vào ngày 6 và 7/10/2024.
Đây là chặng dừng chân cuối trong chuyến thăm và công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kéo dài từ ngày 30/9 đến ngày 7/10/2024.
Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước phát triển tích cực thời gian qua.
Chuyến thăm nhằm thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp và đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực.
Quan hệ Đối tác Chiến lược ngày càng sâu sắc
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ vào ngày 12/4/1973. Kể từ đó, quan hệ 2 nước Việt Nam-Pháp có những bước phát triển tích cực.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Mitterand vào tháng 3/1993 đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Về phía Việt Nam, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước.
40 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Pháp nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2013). Dấu mốc này đã tạo đà đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, mà nổi bật là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2002), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2018); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4/2019); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 11/2021)... và các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande (năm 2016); Thủ tướng Pháp Édouard Philippe (tháng 11/2018); Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (tháng 12/2022); Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp Olivier Becht (tháng 3/2023); Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu dự Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/2024)...
Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Ngoài ra lãnh đạo cấp cao hai nước cũng thường xuyên gửi thư và điện đàm như: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne (ngày 28/11/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm cấp cao với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ngày 20/10/2023)...
Năm 2023, hai nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973-12/4/2023) và 10 năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023). Có thể kể đến như: Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội; triển lãm 3D về Quốc Tử Giám, sự kiện Dạo quanh nước Pháp với các gian hàng ẩm thực, giao lưu, trải nghiệm; triển lãm về nước Pháp; công chiếu vở nhạc kịch Hoàng tử bé; tổ chức cuộc thi thời trang, hội thảo ở các trường đại học Việt Nam để nhấn mạnh tầm quan trọng mối quan hệ hai nước, trình chiếu ánh sáng tại Huế...
Hai nước cũng duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như: Đối thoại Chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp, do Bộ Ngoại giao chủ trì; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á.
Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á. Hai nước cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Do đó, tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước.
Hai bên luôn phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU và Cộng đồng Pháp ngữ.
Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước cũng ngày càng phát triển tích cực thông qua việc thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội, các nhóm nghị sỹ hữu nghị nhằm tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực.
Hợp tác kinh tế, thương mại đóng vai trò trụ cột
Hợp tác kinh tế, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và đứng đầu viện trợ ODA cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại song phương tăng 42% trong 10 năm qua, đạt 5,33 tỷ USD năm 2022; 4,8 tỷ USD năm 2023; 7 tháng năm 2024 đạt 2,96 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử... và nhập khẩu chủ yếu từ Pháp thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp-thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm...
Hai nước hiện hợp tác và tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), giúp hàng hóa Việt Nam củng cố vị thế tại thị trường châu Âu, đồng thời mở rộng cánh cửa cho hàng Việt Nam vào thị trường Pháp.
Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã phối hợp cùng với các đối tác xây dựng chương trình tổng thể trung và dài hạn trong việc quảng bá, lan tỏa văn hóa, ẩm thực và hàng hóa Việt Nam tới đông đảo người tiêu dùng tại Pháp.
Một trong những hoạt động nổi bật mà Thương vụ Việt Nam tại Pháp triển khai trong thời gian qua - đó là việc tổ chức chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Pháp thông qua các hệ thống đại siêu thị thuộc các tập đoàn bán lẻ lớn nhất Pháp như: Carrefour, E.Leclerc và Sys U... Qua các Tuần hàng Việt Nam tại Pháp, người tiêu dùng nước sở tại đã biết đến hàng Việt Nam nhiều hơn.
Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 8/2024, Pháp có 692 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 3,93 tỷ USD, đứng thứ 16/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến-chế tạo, sản xuất-phân phối điện khí nước điều hòa...
Trong khi đó, tổng vốn vay ưu đãi ODA Pháp dành cho Việt Nam đạt 3 tỷ euro. Nhiều dự án của Pháp tại Việt Nam góp phần vào sự phát triển, hiện đại hóa, cải thiện chất lượng và môi trường sống của người dân Việt Nam như Dự án Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long...
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, hiện nay lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và là những lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, trong khi Pháp mạnh về nghiên cứu khoa học và luôn thuộc tốp những nước đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới. Hiện có nhiều lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam có nhu cầu trong khi Pháp có thế mạnh và có thể bổ trợ cho Việt Nam.
Hai nước có thể mở rộng hợp tác về năng lượng, hàng không vũ trụ, phát triển công nghệ hydrogen xanh, ứng dụng bán dẫn, sử dụng khoáng sản quý hiếm, cáp ngầm dưới biển...
Về các mục tiêu phát triển xanh, hai nước cũng có thể đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, du lịch xanh, ứng phó với biển đổi khí hậu, thị trường carbon.
Nhiều điểm sáng trong hợp tác giáo dục, văn hóa, địa phương
Trong hợp tác giáo dục và đào tạo, Pháp luôn coi đây là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực, như quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới...
Hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo, như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam, dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Tin học Pháp ngữ (IFI).
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, phía Pháp mong muốn ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn sang Pháp du học, những hoạt động giao lưu này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân luôn là một điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa và người dân hai nước chính là nhân tố then chốt góp phần đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã và đang triển khai nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân đa dạng, phong phú để quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam đến bạn bè Pháp và châu Âu, đặc biệt là trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm những sự kiện lớn.
Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã chủ trì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973-12/4/2023), 50 năm Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024) và Hiệp định Genève (21/7/1954-21/7/2024), Ngày Việt Nam tại Pháp, Ngày Văn hóa Việt Nam, Tết cộng đồng, các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo dấu chân Bác Hồ...
Các hoạt động này tạo được những dư âm sâu rộng ở sở tại, góp phần củng cố sự gắn kết và tình cảm hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương trên các ngành, lĩnh vực.
Theo Đại sứ Olivier Brochet, Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo là một trong những mục tiêu quan trọng để tạo đà tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng kinh tế. Với thế mạnh trong lĩnh vực này, Đại sứ Pháp khẳng định nước này hoàn toàn có thể giúp Việt Nam trong các dự án liên quan.
Hợp tác địa phương cũng là nét đặc thù trong quan hệ Việt-Pháp. Pháp là quốc gia duy nhất cho đến nay mà Việt Nam đưa cơ chế gặp mặt, họp mặt giữa các địa phương lên thành Hội nghị, được tổ chức luân phiên tại các địa phương khác nhau của hai nước từ 2-3 năm một lần và được xem là một sự kiện, hoạt động lớn trong quan hệ song phương.
Hằng năm, Đại sứ quán đón khoảng 20-30 đoàn địa phương Việt Nam các cấp sang công tác, thăm các địa phương Pháp, đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá kinh tế-văn hóa-du lịch, để củng cố hợp tác và tăng cường kết nối, phục vụ mục tiêu phát triển của các địa phương Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hiện có khoảng 300 nghìn người, là cộng đồng người Việt Nam lớn nhất châu Âu, có đóng góp quan trọng đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực.
Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp
Có thể khẳng định, trên chặng đường hơn 50 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Trên cơ sở mối quan hệ “lương duyên” đặc biệt hơn 50 năm qua và kết quả quan hệ hợp tác Đối tác Chiến lược hơn 10 năm qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thông qua chuyến thăm Pháp lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo hai bên sẽ cùng nhau trao đổi các biện pháp đưa quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, tương xứng với tiềm năng và vị thế của cả hai nước ở khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác thương mại đầu tư; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác truyền thống như văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác giữa các địa phương; mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực mới, giàu tiềm năng như hàng không vũ trụ, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, kinh tế số...
Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước phát triển tích cực thời gian qua.
Còn Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet thì nhận định, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là dịp để hai nước tiếp tục những nỗ lực chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác song phương với những đường hướng hợp tác mới trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, cũng như vai trò quốc tế của hai nước nhằm củng cố an ninh.
Trong lĩnh vực phát triển bền vững, Việt Nam và Pháp có thể tăng cường hợp tác về năng lượng và giao thông, đặc biệt là vận tải đường sắt. Những hoạt động hợp tác về đổi mới, sáng tạo cũng rất triển vọng và thiết thực đối với Việt Nam bởi hiện nay có nhiều doanh nghiệp Pháp có thể chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ với đối tác Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết dự kiến trong chuyến thăm này, Việt Nam và Pháp sẽ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó có một hiệp định liên chính phủ trong lĩnh vực giáo dục. Pháp hy vọng rằng văn kiện này sẽ giúp phía Pháp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong việc tăng cường đào tạo tiếng Pháp tại các trường học Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng và số lượng những người nói tiếng Pháp tại Việt Nam.
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, các hoạt động thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần này là dấu mốc quan trọng, tạo thêm khuôn khổ, động lực mới để đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và thế giới./.