Đưa người qua biên giới, đẩy mình vào lao lý

Nam Hoàng| 13/09/2021 08:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vẫn có rất nhiều người vì hám lợi mà tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép. Hành động đó không chỉ vi phạm pháp luật và khiến cho công tác phòng, chống dịch càng thêm căng thẳng, mà còn đẩy chính họ vào vòng lao lý.

Nóng bỏng đường biên

10-dua-nguoi-qua-bien-day-minh-vao-tu-2-.jpg
Vì hám lợi, Trịnh Văn Hùng đã đẩy mình vào vòng lao lý

An Giang là tỉnh biên giới Tây Nam, có đường biên giới dài gần 100km, trải dài trên địa bàn của 5 huyện, thị xã, thành phố gồm: Tân Châu, An Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, tiếp giáp với hai tỉnh Takeo và Kandal của Vương quốc Campuchia. Tỉnh có hai cửa khẩu quốc tế (Vĩnh Xương, Tịnh Biên), hai cửa khẩu quốc gia (Vĩnh Hội Đông và Khánh Bình, đều thuộc huyện An Phú) và 1 cửa khẩu phụ (Bắc Đai).

Đường biên giới ở An Giang chủ yếu là đồng bằng hoặc được phân cách bằng dòng sông, rạch nhỏ. Ngoài các cửa khẩu chính thức còn có rất nhiều đường mòn, lối mở, thuận lợi cho việc người dân hai nước qua lại biên giới. Đây cũng chính là yếu tố gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tuyến biên giới và công tác đấu tranh với tội phạm nói chung và quản lý người xuất nhập cảnh nói riêng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ biên giới và vừa phòng, chống dịch, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Bộ đội Biên phòng đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, biện pháp, nhằm vận động người dân khu vực biên giới không tự ý qua lại biên giới khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; không tham gia, bao che, tiếp tay cho xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác; khai báo cho chính quyền và các cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác.

Đồng thời tỉnh cũng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên bám nắm địa bàn, tuyên truyền, phát động phong trào “toàn dân phòng, chống dịch”. Vận động mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch. Nhờ vậy, nhiều trường hợp tổ chức nhập cảnh trái phép trên địa bàn được người dân chủ động phát hiện, thông báo với chính quyền.

Ngay sau khi phát hiện và bắt giữ những người tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ quan chức năng của tỉnh như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đã khẩn trương điều tra và xét xử kịp thời nhằm răn đe và cảnh tỉnh những đối tượng khác.

Thẩm phán La Hồng, Chánh án TAND tỉnh An Giang cho biết: “Nhằm chung tay phòng, chống dịch, lãnh đạo TAND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các đơn vị trong Tòa án hai cấp của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng cùng cấp để khẩn trương đưa các vụ án liên quan đến công tác phòng chống dịch nói chung và tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép nói riêng ra xét xử kịp thời. Những đối tượng vi phạm đều phải những hình phạt nghiêm minh, thỏa đáng”.

Cũng theo Thẩm phán La Hồng, sáng ngày 16/8/2021 vừa qua, TAND tỉnh An Giang đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trịnh Văn Hùng, SN 1973, trú tại khóm Vĩnh Chánh 2, phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc, An Giang), về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

Theo cáo trạng, đầu tháng 11/2020, Hùng được đối tượng tên Ni sống tại Campuchia điện thoại rủ tham gia tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Sau khi trao đổi phương thức hoạt động cũng như giá cả, Hùng đồng ý.

Khoảng 22 giờ ngày 4/12/2020, sau khi điện thoại cho Hùng đón hai người phụ nữ, Ni điều khiển vỏ lãi chở Nguyễn Thị Khánh Linh và Lê Thị Hồng Duyên từ Campuchia đến gần chòi vịt của Hùng thuộc khóm Vĩnh Chánh 2, phường Vĩnh Nguơn và đưa tiền công cho Hùng 400.000 đồng. Sau đó, Hùng điện thoại kêu Phan Văn Mai đến chở Linh và Duyên. Nhưng Hùng không cho Mai biết đây là khách nhập cảnh trái phép.

Đến khoảng 23 giờ 50 phút cùng ngày, Mai gọi một người thanh niên khác (không rõ họ, tên, địa chỉ) đến cùng chở Linh và Duyên đến bến xe khách thuộc phường Châu Phú A, thì bị Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP. Châu Đốc phát hiện.

Sau đó, Hùng bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong quá trình điều tra, Hùng còn thừa nhận trước đó đã hai lần tổ chức đưa 3 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.

Trước tòa, Hùng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử tuyên phạt Trịnh Văn Hùng 18 tháng tù giam về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”. Còn đối với Linh và Duyên có hành vi nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam, chưa có tiền án, tiền sự nên Cơ quan điều tra giao cho Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh An Giang để xử phạt vi phạm hành chính. Riêng những đối tượng khác có liên quan do không rõ họ, tên, địa chỉ nên Cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra xử lý sau.

Truy tố, xét xử kịp thời

10-dua-nguoi-qua-bien-day-minh-vao-tu-1-.jpg
Tưa và Mẩn trước Tòa

Liền kề với An Giang là Đồng Tháp – tỉnh có trên 50 km đường biên giới với Campuchia, với 7 cửa khẩu, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà, cùng nhiều đường mòn, lối mở, đường sông. Với vị trí địa lý phức tạp như vậy nên công tác quản lý, kiểm soát người qua lại, nhất là vượt biên trái phép ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Tháp qua đường nhập cảnh, cả hợp pháp và trái phép, sau đó từ đây xâm nhập sâu vào nội địa là rất lớn. Đó là chưa kể nhu cầu về nước của bà con làm ăn sinh sống ở Campuchia. Hiện ước tính tại các địa phương phía Campuchia giáp với Đồng Tháp có đến gần 9.000 Việt kiều.

Từ nhiều tháng nay, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh và ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Huy động cả hệ thống chính trị, nhất là cơ sở, tiếp tục phát huy vai trò các Tổ phòng dịch cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, kiên quyết không để sót, lọt người nhập cảnh trái phép lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý những đối tượng cố tình vi phạp pháp luật về công tác xuất nhập cảnh. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có hàng chục vụ tổ chức đưa người nhập cảnh trên địa bàn tỉnh bị truy tố và đưa ra xét xử.

Mới đây, TAND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Lâm Văn Tưa (46 tuổi, trú tại tỉnh Long An) 6 năm tù; Lâm Thanh Mẩn (36 tuổi, trú tại thành phố Hồng Ngự, Long An) 5 năm tù về hành vi tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên phạt bổ sung mỗi bị cáo 10 triệu đồng.

Theo cáo trạng, lợi dụng khoảng cách hẹp giữa hai bờ sông biên giới Việt Nam - Campuchia (đoạn thuộc địa phận huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), đêm 23/9/2020, Tưa và Mẩn đã tổ chức đưa hai người nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Khi các đối tượng vừa đặt chân lên địa phận Việt Nam thì bị Đồn Biên phòng Cầu Muống, BĐBP Đồng Tháp đã phát hiện, bắt giữ.

Sau đó, Đồn Biên phòng Cầu Muống đã chuyển toàn bộ hồ sơ của Tưa và Mẩn cho cơ quan công an xử lý. Đến tháng 11/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hai đối tượng Lâm Văn Tưa và Lâm Thanh Mẩn.

Tại cơ quan công an, hai đối tượng Tưa và Mẩn khai nhận, trước đó đã cấu kết dùng xuồng máy đưa 6 lượt người khác xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới thuộc xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự vào các ngày 14 và 22/9/2020 để thu lợi bất chính 36 triệu đồng. Tưa có vai trò liên hệ tìm người có nhu cầu qua lại biên giới trái phép giữa Việt Nam và Campuchia, còn Mẩn là người trực tiếp dùng xuồng đưa người xuất cảnh, nhập cảnh vào ban đêm.

Trước đó, TAND huyện Hồng Ngự cũng đã mở phiên tòa xét xử Võ Văn Sáu (sinh năm 1983, ngụ Ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, theo Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, vào khoảng 8 giờ sáng ngày 30/10/2020, sau khi bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với các đối tượng chuyên tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép bên phía Campuchia, Sáu điều khiển vỏ lãi của mình đến chợ Cả Sách (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đón tổng cộng 7 người đưa sang Campuchia để thu lợi số tiền 240 USD (tương đương khoảng 5,5 triệu đồng). Trong lúc đang thực hiện hành vi phạm tội thì Sáu bị lực lượng Biên phòng Cầu Muống phát hiện, bắt giữ.

Căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử TAND huyện Hồng Ngự đã tuyên phạt Võ Văn Sáu 5 năm tù giam về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Qua một số vụ án nói trên, có thể thấy rằng tình trạng xuất nhập cảnh trái phép vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ cần lơ là, mất cảnh giác để lọt những trường hợp nhập cảnh và cư trú trái phép thì mọi nỗ lực trong phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phá vỡ, nguy cơ lây lan dịch là rất lớn, nhất là khi các đối tượng này đi sâu vào trong nội địa. Do vậy, việc ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xét xử kịp thời những đối tượng vi phạm là điều cần thiết và góp phần rất lớn trong việc giữ gìn an ninh trật tự cũng như trong công tác phòng, chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa người qua biên giới, đẩy mình vào lao lý