Bên cạnh việc chuẩn bị thực phẩm cho ngày Tết thì các gia đình cần "bỏ túi" tủ thuốc nhằm phòng những "trục trặc" sức khỏe cho trẻ tuy nhiên các bậc cha mẹ cần phải lưu ý một số điều dưới đây.
Không "ôm đồm" nhiều loại thuốc
Đối với người Việt, Tết đến Xuân về là dịp nhà nhà tạm dừng công việc sau một năm vất vả để cùng nhau đón năm mới. Ngày này, học trò không phải đến trường và tha hồ "quậy" sau những ngày đếm ngược. Do đó, việc kiểm soát con trẻ ăn - chơi thực sự là điều khó khăn đối với cha mẹ bởi khối lượng công việc không tên ngày Tết khổng lồ, người vào ra liên tục.
Tết nhất, bạn không thể kiểm soát trẻ như ngày thường nên thói quen ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ bị xáo trộn thậm chí là vận động quá mức.
Chưa kể đến việc do thời tiết giao mùa, không khí lạnh tràn về, việc trẻ mải nghịch không mặc ấm khiến nguy cơ bị ốm cao hơn.
Từ đó, việc trẻ bị tiêu chảy, mất nước, chân tay trầy xước, chảy máu vì nghịch... không thể tránh khỏi. Trong ngày Tết, các hiệu thuốc thường đóng cửa nhưng không phải vì thế mà bạn "ôm đồm" thuốc cho con mình.
Cha mẹ không nên dúng thuốc của người lớn cho trẻ dù giảm liều lượng
Thuốc đau bụng, men tiêu hóa, thuốc ho, cảm cúm... là những loại thuốc mà các bậc phụ huynh thường tự mua ở các hiệu thuốc cho con mà không cần đơn kê của bác sĩ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cảnh báo trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc theo thói quen dùng của mình cho trẻ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ bởi trẻ con không phải là mô hình thu nhỏ của người lớn.
Thậm chí, cho dù các mẹ có cho trẻ dùng thuốc giành cho người lớn nhưng đã giảm liều thì cũng không thực sự an toàn với trẻ. Nhất là khi trẻ rất nhạy cảm với các loại thuốc mà một trong những sự nhạy cảm này là có nhiều thuốc gây biến đổi nhiệt độ một cách đột ngột và gây đáp ứng quá mức đối với trẻ.
Chớ quên "thủ sẵn" nhiệt kế
Trả lời báo chí, ThS Nguyễn Thành Nam - Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ngày Tết, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp các cháu bị tiêu chảy và viêm đường hô hấp. Bởi thế, trong các tủ thuốc gia đình cần có sẵn một số loại thuốc thông thường như Paracetamol, Efferalgan, Panadol... Để phòng bệnh viêm đường hô hấp, nên tránh cho trẻ thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột và cố gắng duy trì cho trẻ có thói quen ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều gia đình khi thấy con trán nóng, tay nóng nghĩ ngay con bị sốt. Tuy nhiên, trong tủ thuốc gia đình lại không có nhiệt kế. Điều này rất nguy hiểm vì nhiệt độ bên ngoài da của trẻ khác với nhiệt độ bên trong cơ thể. Cho nên, việc cha mẹ sờ tay và cảm nhận con sốt là không chính xác.
Nhiều gia đình trong tủ thuốc không có nhiệt kế - một điều nguy hiểm
Tiếp đến, cha mẹ cần chuẩn bị một vài bông băng vì trẻ con chơi, đùa không may bị ngã nên cần chuẩn bị băng urgo, cồn để rửa vết thương cho trẻ. Tuy nhiên, các cha mẹ cần lưu ý là đọc kĩ hướng dẫn trước khi sử dụng vì nhiều người thường chỉ đọc lướt qua.
Riêng đối với loại thuốc sốt, các cha mẹ cần lưu ý nhiều hàm lượng khác nhau nếu gia đình có nhiều độ tuổi trẻ con vì hàm lượng tính theo cân nặng. Như thuốc Paracetamol - một loại thuốc thông dụng có các hàm lượng 80mg, 150mg, 300mg.. Thuốc thứ 2 là một vài thuốc ho, các siro ho và chúng ta cũng nên chuẩn bị thuốc tiêu chảy.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị tủ thuốc nói trên chỉ là những xử trí tạm thời. Khi trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa tới bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời vì ngày Tết các bác sĩ vẫn trực 24/24.