Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã dành hẳn một chương riêng với 17 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán; các ngạch Thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán và một số nội dung liên quan đến Thẩm phán.
Bất cập về các ngạch Thẩm phán trong quy định hiện hành
Báo cáo tổng kết Luật Tổ chức TAND năm 2002 đã chỉ ra khá rõ ràng rằng, các ngạch Thẩm phán theo quy định hiện hành (gồm Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp) bộc lộ những hạn chế, bất cập trong việc phân công Thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử ở từng cấp Tòa án. Ở TAND cấp tỉnh có Thẩm phán sơ cấp nhưng các Thẩm phán này có được thực hiện nhiệm vụ xét xử và giải quyết các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh hay không chưa được quy định rõ. Bên cạnh đó, do có nhiều ngạch Thẩm phán khác nhau nên việc xây dựng chế độ, chính sách đối với Thẩm phán cũng nảy sinh thêm những khó khăn, bất cập; những người có thâm niên công tác như nhau, có trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị như nhau nhưng người được bổ nhiệm làm Thẩm phán công tác ở Tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh sẽ có những thiệt thòi về chính sách, chế độ so với người được bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC. Hơn nữa, việc định ra chức danh “Thẩm phán sơ cấp”, “Thẩm phán trung cấp” ít nhiều tạo ra sự hiểu sai về trình độ, năng lực của Thẩm phán, làm giảm lòng tin và sự tín nhiệm của người dân đối với các Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 88 của Hiến pháp thì Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán các Tòa án khác. Như vậy, theo quy định của Hiến pháp thì chỉ có hai ngạch Thẩm phán là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán các Toà án khác. Việc quy định hai ngạch Thẩm phán như trên sẽ tạo điều kiện để xây dựng đội ngũ Thẩm phán có chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu giải quyết các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán, khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về các ngạch Thẩm phán.
Tuy nhiên, hiện tại cũng có nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên các ngạch Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm ngạch Thẩm phán cao cấp để phân biệt rõ năng lực, trình độ của các Thẩm phán. Ở TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND sơ thẩm có thể có cả ba ngạch Thẩm phán cùng làm việc.
Bởi vậy, dự thảo Luật hiện nay vẫn thể hiện cả hai phương án tại Điều 51 để xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp tới.
Việc kết hợp thi tuyển với tuyển chọn Thẩm phán cũng đang là vấn đề lớn cần bàn trong thực tế hệ thống Tòa án hiện nay để quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp. Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị thì nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp.
Nội dung này hiện nay vẫn có hai loại ý kiến khác nhau. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc kết hợp thi tuyển với tuyển chọn Thẩm phán sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, mở rộng nguồn để xem xét, đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán theo định hướng đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, bảo đảm lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài, có năng lực tham gia làm công tác xét xử. Bên cạnh đó, việc thi tuyển chỉ đặt ra đối với những người chưa là Thẩm phán mà không đặt ra đối với những người đã giữ chức danh Thẩm phán hiện nay nên sẽ không làm phát sinh một số lượng lớn những người phải tham gia thi tuyển để tuyển chọn Thẩm phán.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc kết hợp thi tuyển với tuyển chọn Thẩm phán, cho phép mở rộng nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán không chỉ là những công chức đang công tác trong Tòa án mà các luật gia, luật sư, giảng viên luật cũng có thể tham gia thi tuyển sẽ ảnh hưởng đến biên chế của TAND khi những người đang là công chức Tòa án không trúng tuyển và những người ngoài Tòa án lại là những người trúng tuyển. Bên cạnh đó, thực tiễn hiện nay việc lựa chọn nhân sự để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán cũng đang gặp khó khăn; nếu đặt thêm điều kiện phải thi tuyển thì có thể làm cho tình trạng thiếu Thẩm phán tại các Tòa án trầm trọng hơn.
Một phiên tòa tại TAND huyện Sơn Động (Bắc Giang)
Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia
Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia là vấn đề mới và nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Điều 54 và Điều 55 của dự thảo Luật hiện nay được thiết kế theo hướng chỉ thành lập một Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán do Chánh án TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các ứng viên được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, đáp ứng yêu cầu luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán giữa các địa phương, khu vực trong cả nước. Quy định theo hướng này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp mới về việc Thẩm phán TAND do Chủ tịch nước bổ nhiệm.
Do Thẩm phán có địa vị pháp lý đặc biệt được giao quyền phán quyết các vụ án hình sự, các tranh chấp dân sự, vụ án kinh tế, lao động, hành chính có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức có liên quan nên đòi hỏi phải có cơ chế giám sát đặc biệt. Vì vậy, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán còn có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, tư cách đạo đức, lối sống của Thẩm phán để bảo đảm các Thẩm phán thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý; kịp thời phát hiện những Thẩm phán thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, không làm đúng trách nhiệm của Thẩm phán để kiến nghị xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán.
Đối với thủ tục giới thiệu, phê chuẩn, bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, theo quy định tại Điều 70 và Điều 88 Hiến pháp thì Thẩm phán TANDTC do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Như vậy, Thẩm phán TANDTC là ngạch Thẩm phán đặc biệt, có thủ tục giới thiệu, phê chuẩn, bổ nhiệm khác với các Thẩm phán khác. Do đó, cụ thể hoá quy định nêu trên của Hiến pháp, Điều 56 của dự thảo Luật quy định:
“Căn cứ vào số lượng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC tiến hành quy trình công tác cán bộ và các thủ tục chuẩn bị nhân sự, giới thiệu người có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật này để đề nghị Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC. Hồ sơ đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, đưa ra tại phiên họp gần nhất của Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC”.
Tại phiên họp UBTVQH tháng 4 vừa qua, nhiều nội dung trong dự thảo Luật, trong đó có các quy định liên quan đến Thẩm phán nhận được sự đồng tình ủng hộ của các thành viên UBTVQH. Những nội dung cụ thể trên cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp khai mạc trong tháng 5 này.