Vấn đề quan tâm

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Nên tách bạch quản lý Nhà nước với kinh doanh?

Trang Nhi 16/09/2024 09:05

Đánh giá cao Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để luật đi vào cuộc sống, cần tháo gỡ những vướng mắc do còn nhiều khoảng trống pháp lý…

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được các doanh nghiêp đánh giá là đã đưa ra nhiều quy định nhằm xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Từ đó, thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác.

luat-dien-luc.jpg
Nhiều khoảng trống pháp lý cần được khỏa lấp tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Dù vậy, khi nghiên cứu sâu các điều khoản, nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn về giá mua bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đối với điện mặt trời mái nhà, dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP liên quan đến hợp đồng mua bán điện mặt trời trực tiếp, nhưng vẫn thiếu cơ chế cụ thể cho nhà đầu tư.

Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này đã bao gồm các phần đề cập việc bán buôn điện giữa các bên thứ ba, nhưng cần bổ sung các quy định cụ thể cho phép nhà đầu tư thứ ba tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà thông qua các hợp đồng mua bán điện. Từ đó mới giúp doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo.

Tại khu vực phía Nam có nhiều doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời trên mái nhà xưởng đang gặp vướng mắc liên quan đến vấn đề đấu nối và giá bán. Ông Nguyễn Duy Thịnh, Giám đốc Đầu tư và phát triển dự án của SolarBK cho biết, theo Luật Điện lực hiện hành, khái niệm về đấu nối vào lưới điện quốc gia chưa được định nghĩa cụ thể. Đây là khái niệm rất cơ bản, song có nhiều luồng ý kiến khác nhau trong việc xác định một dự án như thế nào là đấu nối vào lưới điện Quốc gia, đấu nối gián tiếp hay trực tiếp.

luat-dien-luc-2.jpg
Nhiều ý kiến liên quan đến giá điện, nhà đầu tư trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Các chuyên gia cũng nêu nhiều góp ý cho Dự thảo. Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, những vướng mắc, bất cập liên quan đến phát triển điện lực nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để tháo gỡ thì phải được thể chế hoá cụ thể trong Luật Điện lực (sửa đổi).

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đỗ Thành Trung, Luật Điện lực phải giải quyết hai bài toán quan trọng là đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và giá điện.

Trong khi đó, góp ý Dự thảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị, cần thống nhất quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án phát triển nguồn điện theo nguyên tắc, tiêu chí về giá bán điện; chính sách chuyển đổi nguồn điện năng lượng hoá thạch sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp hoặc năng lượng tái tạo; áp dụng cơ chế tính giá điện theo thời điểm huy động hoặc bậc thang để điều chỉnh hành vi sử dụng điện của hộ tiêu dùng.

Về vấn đề đầu tư các dự án điện, LS. Cao Trần Nghĩa, Công ty luật Nishimura & Asahi Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến tính khả thi cấp vốn được nêu trong Luật Điện lực để cân nhắc khả năng đầu tư.

Theo ông Nghĩa, nếu bên mua điện như EVN không được Chính phủ bảo đảm, các nhà tài trợ sẽ e dè khi rót vốn vào các dự án năng lượng tại Việt Nam. Tuy vậy, ông Nghĩa nhận định, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, thì không thể áp dụng bảo lãnh Chính phủ. Vì vậy, để nâng cao uy tín tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước như EVN, Ban Soạn thảo có thể đưa vào Điều 5 của Dự thảo một cam kết của Chính phủ đối với sự ổn định trong hoạt động của bên mua trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện, bao gồm cả việc chi trả các khoản nợ của EVN đối với nhà đầu tư, đảm bảo dòng tiền thu được cho nhà đầu tư và nhà tài trợ dự án.

Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho hay, Luật Điện lực (sửa đổi) cần giải quyết mối quan hệ kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng tách bạch quản lý Nhà nước với kinh doanh, sản xuất điện; tạo lập hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo và hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về năng lượng; phát triển và xuất khẩu điện gió ngoài khơi, sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Nên tách bạch quản lý Nhà nước với kinh doanh?