Dự án BLTTDS (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua được đánh giá là chuẩn bị công phu, nghiêm túc.
Một trong những nội dung quan trọng mà dự thảo Luật quy định, đó là thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm trong việc sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Bảo đảm quyền lợi cho người dân
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm theo hướng được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị (Điều 340 và Điều 344 dự thảo).
Khi đưa ra quy định này, một số ý kiến lo ngại rằng, giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, không phải là một cấp xét xử thứ ba; đây là thủ tục xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Mặt khác, nếu quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án, vì họ sẽ mất quyền tranh tụng tại phiên tòa, mất quyền kháng cáo, đồng thời có thể dẫn tới sự lạm quyền.
Tuy nhiên, phần đông ý kiến tán thành với quy định này và cho rằng việc sửa bản án, quyết định phải rất thận trọng khi bản án đã được thi hành một phần hoặc thi hành xong nên cần quy định chặt chẽ những trường hợp cụ thể như: Chứng cứ trong hồ sơ đã được thu thập đầy đủ, rõ ràng hoặc việc sửa bản án, quyết định đó không gây thiệt hại về tài sản, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự...
Các ý kiến nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì thực tế thời gian qua cho thấy, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ có thẩm quyền hủy bản án dẫn đến có những bản án chỉ sai về thủ tục tố tụng, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền là lợi ích hợp pháp của các đương sự, nhưng vì Hội đồng giám đốc thẩm không có thẩm quyền sửa án cho nên phải hủy bản án. Điều này không những không giải quyết được quyền lợi cho người dân mà còn ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm của Thẩm phán (vì trong một nhiệm kỳ, một Thẩm phán có thể bị xem xét tạm dừng tái bổ nhiệm nếu có tỷ lệ án bị hủy, bị sửa cao hơn 1,16% trên tổng số vụ án đã xét xử).
Hơn nữa, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi xét thấy cần thiết nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án không quay vòng nhiều và không gây tốn kém thời gian, tiền bạc của đương sự cũng như của Nhà nước. Việc quy định bổ sung thẩm quyền này của Hội đồng giám đốc thẩm sẽ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có điểm dừng và tạo cơ sở cho việc ban hành án lệ, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Hội đồng Thẩm phán TANDTC có thẩm quyền lựa chọn quyết định giám đốc thẩm có tính chuẩn mực của các Tòa án, phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu áp dụng trong xét xử.
“Điểm dừng” cần thiết
Khi thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua về thẩm quyền nêu trên, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng đã đánh giá, đây là quy định tiến bộ và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền cải sửa, hủy bản án bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm có thể khắc phục được rất nhiều nhược điểm, giải quyết nhanh, tránh kéo dài các vụ án như thời gian vừa qua. “Tôi cho rằng, đây là quy định đúng và tôi ủng hộ thẩm quyền này của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Ở đây cũng có ý kiến cho rằng, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử, trên thực tế, đây là một thủ tục đặc biệt và chúng ta quy định là Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, chứ không phải một tổ chức nào khác, quy định như vậy là hợp lý”, ông Thường nhấn mạnh.
ĐB Phạm Xuân Thường phát biểu
ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) cũng cho rằng, về mặt lý luận, bổ sung quy định này sẽ giúp cho việc giải quyết các vụ án nhanh chóng, không quay vòng nhiều lần gây tốn kém về chi phí và thời gian của đương sự và Nhà nước. Đồng thời bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có điểm dừng là cần thiết, sẽ giải quyết được những vướng mắc, bất cập đã gặp phải trong thời gian vừa qua, tránh được tình trạng những vụ việc dân sự xét xử qua nhiều lần, nhiều cấp và có những vụ việc kéo dài hàng chục năm và không có điểm dừng.
Tuy nhiên, thế nào là chứng cứ rõ ràng, đủ căn cứ để kết luận cũng chưa làm rõ trong dự thảo luật, khó tránh khỏi sự tùy tiện trong áp dụng sau này. Đây là một vấn đề mới, quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm, truyền thống và hệ thống xét xử cả tố tụng hình sự, dân sự, hành chính Nhà nước ta từ trước đến nay.
Một vấn đề nữa được nhiều ĐB đồng tình, ủng hộ là quy định về lệ phí giám đốc thẩm trong dự thảo Bộ luật khi quy định người dân phải chịu khoản lệ phí này nếu có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Đây là quy định mới so với luật hiện hành. Các ý kiến đánh giá, để hạn chế tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan và quá tải trong giải quyết dẫn đến tồn đọng nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm như hiện nay thì quy định tại khoản 1 Điều 324 dự thảo BLTTDS (sửa đổi) “Người đề nghị giám đốc thẩm phải chịu án phí giám đốc thẩm trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và được đưa ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm” là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo quy định về trình tự, thủ tục, mức án phí và thời hạn nộp án phí giám đốc thẩm.
Đối với thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, quan điểm của Ban soạn thảo được nhiều ĐB đồng tình. Đó là vẫn giữ nguyên quy định của BLTTDS hiện hành về thủ tục đặc biệt cho phép Hội đồng Thẩm phán TANDTC tự xem xét lại quyết định của mình trong dự thảo này. Song cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định theo hướng cho phép Hội đồng Thẩm phán TANDTC tự xem xét lại quyết định của mình khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Điều 355.