Dự luật kiểm soát súng đạn: Không phải thông điệp cuối nhiệm kỳ!

Nhật Minh| 15/06/2016 07:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với tính cách quyết đoán và những gì Tổng thống Obama thể hiện trong chính sách xoay trục châu Á, nhiều người tin dự luật kiểm soát súng đạn sẽ được thông qua, theo một cách nào đó.

Ngay sau vụ xả súng kinh hoàng tại thành phố Orlando, bang Florida, vào lúc 14h00 chiều 12/6 (1h00 sáng 13/6 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc từ Nhà Trắng về vụ thảm sát này.

Ông gọi đây là một hành động khủng bố, một tội ác nhằm vào người dân vô tội. Và theo ông, vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại hộp đêm dành cho người đồng tính Pulse không chỉ làm tan vỡ trái tim của những người LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới), mà còn là môt ngày đau thương với toàn thể nước Mỹ.

Dự luật kiểm soát súng đạn: Không phải thông điệp cuối nhiệm kỳ!

Tổng thống Barack Obama đã từng phải rơi nước mắt khi nhắc tới những nạn nhân của các vụ xả súng

Theo khảo sát của LHQ, ở Mỹ hiện có khoảng 300 triệu khẩu súng đang lưu hành. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nơi nào càng trữ nhiều súng đạn thì án mạng xảy ra càng nhiều.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama tuyên bố, nước Mỹ sẽ không sợ hãi; và vụ thảm sát sẽ khiến người dân Mỹ đoàn kết hơn. Đồng thời, ông cũng đã yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng tất cả những biện pháp nhằm ngăn chặn vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Thế nhưng, thật đáng buồn, đây không phải là lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng phải đứng lên nói về một vụ việc đau lòng như thế.

Mới hồi đầu tháng 1/2016, trong chương trình đối thoại trực tiếp kéo dài 2 giờ đồng hồ trên kênh truyền hình CNN, Tổng thống Obama đã có mặt để lắng nghe ý kiến từ người dân, gồm cả những người ủng hộ và những người phản đối dự luật kiểm soát súng đạn do ông đề xuất.

Buổi đối thoại nói trên được tiến hành sau khi Tổng thống Obama đã buộc phải quyết định sử dụng quyền hành pháp của Tổng thống mà không thông qua Quốc hội, để đưa ra một loạt các quy định về kiểm soát súng đạn.

Điểm đặc biệt trong trọng tâm của dự luật này là công nghệ sử dụng súng thông minh, trong đó có công nghệ súng dùng tới 32 cảm biến để nhận dạng được tay của chủ nhân đặt trên cò súng hoặc nhận diện chủ nhân thông qua vòng đeo tay, nhẫn và cách bóp cò.

Với những người ủng hộ ông Obama, dự luật này là một bước tiến trong việc ngăn chặn việc vũ khí rơi vào tay những kẻ không nên có súng. Thế nhưng, trong số 100 người có mặt tại buổi đối thoại tổ chức ngay trong tòa thị chính, ông cũng được trực tiếp nghe những người phản đối dự luật đưa ra lý do để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Quy định mới về kiểm soát súng đạn mà Tổng thống Barack Obama đề ra có một số điểm chính sau: Kiểm tra bắt buộc nhân thân người mua súng, tăng cường hệ thống kiểm tra lý lịch người mua súng, tất cả những người bán súng đều phải có giấy phép, mở rộng việc điều trị tâm lý, thông báo công khai các trường hợp mắc bệnh tâm thần, cải thiện luật kiểm soát súng đạn, nghiên cứu các công nghệ đảm bảo an toàn khi sử dụng súng, ngăn chặn các hành vi bạo lực trong nước.

“Vào một đêm, một người đàn ông đã đột nhập vào phòng và cưỡng hiếp tôi trong… 2 tiếng. Nếu lúc đó tôi có một khẩu súng trong tay thì mọi việc đã khác”, một phụ nữ đau lòng kể lại câu chuyện từng xảy ra khi chị vừa tròn 20 tuổi.  Và, cũng như những người phản đối, việc kiểm soát súng đạn có thể sẽ tước đi quyền tự vệ căn bản của chị.

Nước Mỹ đã chứng kiến không ít những vụ xả súng kinh hoàng. Thậm chí, theo thống kê, số người chết trong những vụ việc này còn cao hơn gấp nhiều lần số người chết do khủng bố, trong đó có vụ xả súng khiến 50 người thiệt mạng và 53 người bị thương tại hộp đêm dành cho người đồng tính Pulse vừa qua. Thế nhưng, cứ sau mỗi vụ xả súng, Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) lại mở chiến dịch vận động ủng hộ súng đạn.

Dự luật kiểm soát súng đạn: Không phải thông điệp cuối nhiệm kỳ!

Omar Marteen, nghi phạm vụ xả súng kinh hoàng tại hộp đêm dành cho người đồng tính Pulse

Và, khi các vụ bạo lực súng đạn nhằm vào người vô tội tăng lên, thì trong suy nghĩ của nhiều người dân Mỹ, kiểm soát súng không làm xã hội trở nên tốt đẹp hơn, mà chỉ khiến họ, như cô gái trong câu chuyện nói trên, không có cơ hội bảo vệ bản thân. Họ cho rằng, thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm, và súng đạn là vô cùng cần thiết để tự vệ.

Cần phải thừa nhận một điều rằng, súng là một phần cơ bản của nền văn hóa Mỹ và là di sản chính trị truyền thống của nước Mỹ thuở sơ khai. Việc sở hữu súng còn là quyền - được quy định rõ ràng - trong Hiến pháp Mỹ.

Chính vì thế, nhiều người xem súng đạn như là thú vui, họ tự hào với những món đồ sưu tập liên quan đến súng đạn. Cuối cùng, với “văn hóa súng đạn”, ngành công nghiệp súng đạn có ảnh hưởng vô cùng to lớn trong nền chính trị Mỹ, mà NRA - đại diện ngành công nghiệp súng đạn, là một trong những tổ chức vận động hành lang hùng mạnh và giàu thế lực nhất nước Mỹ.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ - do phe Cộng hòa nắm đa số - luôn không tìm thấy tiếng nói chung trong câu chuyện về kiểm soát súng đạn. Đồng thời, những gì ông Obama đang làm lại ở thời điểm cuối nhiệm kỳ - thời điểm mà nhiều chính trị gia cho là, các thông điệp phần lớn mang màu sắc ngoại giao (kể cả đối nội lẫn đối ngoại) chứ không mấy có ý nghĩa tác động trong thực tiễn.   

Dự luật kiểm soát súng đạn: Không phải thông điệp cuối nhiệm kỳ!

Hiện trường bên ngoài hộp đêm dành cho người đồng tính Pulse sau vụ xả súng

Trở lại vụ xả súng đẫm máu ở thành phố Orlando, các ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ Bernie Sander (nghị sĩ Đảng Dân chủ), và tỷ phú Donald Trump (nghị sĩ Cộng hòa) đã lên tiếng bày tỏ sự thương tiếc với những nạn nhân xấu số. Tuy nhiên, chính sách mà 3 ứng viên này đưa ra không khác cương lĩnh khi vận động tranh cử là bao.

Trái với quan điểm của hai ứng viên Dân chủ cam kết sẽ thắt chặt luật kiểm soát súng đạn hơn nữa nếu đắc cử, thì ông Trump lại cho rằng việc thắt chặt kiểm soát súng đạn là không cần thiết bởi bởi việc sở hữu súng sẽ giúp người dân có thể tự bảo vệ mình một cách chủ động hơn.

Liệu dự luật kiểm soát súng đạn của Tổng thống Obama sẽ được thông qua? Câu trả lời quả khó đoán! Tuy nhiên, những người ủng hộ ông tỏ ra khá tin tưởng, với tính cách quyết đoán của mình, những gì ông đã thể hiện trong chính sách xoay trục châu Á vừa qua, có thể dự luật này không phải là ý tưởng tức thời mà nằm trong chuỗi kế hoạch chiến lược đã được ông sắp sẵn từ rất lâu, và bằng một cách nào đó, chắc chắn nó sẽ được đưa vào áp dụng trong thực tiễn đời sống nước Mỹ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự luật kiểm soát súng đạn: Không phải thông điệp cuối nhiệm kỳ!