Du lịch trên đà hồi phục để thích ứng với dịch Covid-19

Trang Nhi - Kim Truyền| 21/10/2021 20:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Du lịch Việt Nam đã trải qua 2 năm gần như đóng băng bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những thiệt hại của nền công nghiệp không khói này đang được nhiều tỉnh, thành trên cả nước từng bước chuẩn bị để hồi phục. Bức tranh du lịch đón khách trở lại là một trong những yêu cầu cấp bách của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh mà nhiều nước trên thế giới đã mở cửa du lịch.

Mở cửa du lịch nội địa một cách linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình dịch bệnh

Với sự nỗ lực cao của Chính phủ thì tỉ lệ bao phủ vaccine tại nhiều tỉnh thành trong nước rất cao, số ca nhiễm trong cộng đồng đã được khống chế. Điều này chứng tỏ năng lực y tế của chúng ta đã có những cải thiện. Việc khởi động du lịch nội địa toàn quốc là việc làm cần thiết để các doanh nghiệp (DN) du lịch dần hồi phục.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 ở trong nước cũng như quốc tế vẫn diễn biến phức tạp vì thế ngành du lịch cần bám sát thực tiễn để dự báo các kịch bản, đề ra các kế hoạch thực sự hiệu quả để phục hồi nền công nghiệp không khói.

Theo đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy tại chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc”, việc khởi động du lịch nội địa toàn quốc có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng DN nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời cho thấy, DN du lịch sẵn sàng đồng hành cùng ngành du lịch trong việc khắc phục những tồn tại, khó khăn.

1(4).jpg
Mở cửa du lịch nội địa một cách linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình dịch bệnh

Du lịch an toàn đã trở thành một yêu cầu bắt buộc trong mọi hoạt động của toàn ngành. Nhiều địa phương “vùng xanh” đều sẵn sàng đồng hành cùng chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc” và chuẩn bị các kịch bản chi tiết để mở cửa du lịch một cách linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới.

Bên cạnh đó, áp dụng các nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát Covid-19 của Chính phủ, trong đó tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế và chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái “bình thường mới” với tư tưởng sống chung với Covid-19 là nỗ lực lớn của ngành du lịch trong điều kiện hiện nay giúp các địa phương phục hồi dần du lịch nội địa.

Các DN du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng, và có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ. Người dân cũng nâng cao ý thức phòng dịch, đó là những yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin ngành du lịch có thể khôi phục lại trong thời điểm này.

Hoạt động du lịch quốc tế cũng là một yêu cầu cấp bách

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài khiến các hoạt động vận tải bằng đường hàng không quốc tế vẫn chưa được khôi phục, các tuyến bay nội địa cũng phải tạm ngừng hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch cả nước nói chung. Đối tượng chịu tác động trực tiếp chính là các đơn vị du lịch lữ hành, các cơ sở lưu trú và đơn vị kinh doanh dịch vụ liên quan.

Tuy nhiên thời điểm này, việc khôi phục lại hoạt động của ngành du lịch là một trong những yêu cầu cấp bách. Theo thống kê sơ bộ về các chỉ số chính đều có sự sụt giảm. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được khách quốc tế trong 3 tháng đầu tiên với 3,7 triệu lượt khách, giảm 80% so với năm 2019. Và năm 2021 này do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 đạt 105.000 lượt người, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm trước.

2(1).jpg

Hoạt động du lịch quốc tế cũng là một yêu cầu cấp bách

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sự hồi phục của ngành cũng sẽ lan tỏa, tạo tiền đề để các hoạt động kinh tế khác sớm trở lại quỹ đạo bình thường. Việc Chính phủ và các Bộ, ngành với những chính sách hỗ trợ DN du lịch, người lao động trong ngành du lịch nhằm thực hiện mục tiêu vừa “tái khởi động du lịch”, vừa sống chung an toàn với Covid-19, mở ra nhiều hy vọng vào sự hồi sinh của ngành du lịch.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, giai đoạn mở cửa thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc sắp thực hiện và rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. Ngành Du lịch mong muốn phối hợp với ngành Ngoại giao triển khai rộng rãi Chương trình truyền thông “Roam Phu Quoc”; mở đầu cho Chiến dịch xúc tiến, quảng bá phục hồi du lịch Việt Nam năm 2021-2022 với tên gọi “Live Fully in Viet Nam”. Mục tiêu là quảng bá chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), chính sách du lịch hộ chiếu vắc xin; các quy định, biện pháp bảo đảm du lịch an toàn; chuẩn bị từng bước nhân rộng mô hình ra các điểm đến, địa phương an toàn trong cả nước.

Việt Nam sẽ tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế ở Phú Quốc, trên cơ sở đó xem xét tiếp tục mở rộng ra một số địa phương đủ điều kiện khác. Vừa qua, đã có một số địa phương như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng… bày tỏ mong muốn, đề xuất được đón khách du lịch quốc tế sau khi chương trình thí điểm ở Phú Quốc thành công. Lộ trình mở rộng đón khách du lịch quốc tế ở Việt Nam sẽ được xác định tùy thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh, với mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho cộng đồng.

Việc tái khởi động du lịch là nhiệm vụ cấp bách, trong đó xác định “An toàn là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới”.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch trên đà hồi phục để thích ứng với dịch Covid-19