Hơn chục năm trước, ít ai nghĩ tới việc du lịch Lào và Campuchia, nhưng hiện nay họ đã qua mặt VN ở một số mặt.
Khác biệt về tư duy quản lý
Hầu hết cán bộ của Lào và Campuchia đều học ở VN. Sau đó, được tiếp tục đào tạo ở các nước phát triển. Bộ máy nhà nước của họ được tổ chức theo ngành dọc, không chồng chéo. Kinh tế tư nhân là chủ đạo, nhà nước chỉ quản lý, không ôm đồm kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Cũng không hề tồn tại tư duy “quản không được thì cấm”. Không có những phát ngôn gây sốc kiểu “không sợ ai và không có ai để sợ”. Tuyệt nhiên không thấy những trụ sở hoành tráng, đang đua nhau khoe của, từ Trung ương đến các tỉnh. Bộ máy gọn nhẹ nên thuế má cũng nhẹ hơn.
Lào thừa điện trong khi Campuchia chưa có lưới điện quốc gia. Đường sá ở Lào và Campuchia hẹp hơn, ít hơn so với VN nhưng tốt hơn. Cả nước Campuchia chỉ có 2 trạm thu phí ở quốc lộ 4 và quốc lộ 6. Lào thì có trạm thu phí qua 3 cầu mới. Cả 2 nước đều không thấy công an đứng dọc các xa lộ, không có nạn bóp còi ầm ĩ, xe gắn máy ít hơn và giao thông trật tự hơn. Đồng riel của Campuchia gấp gần 5,5 lần tiền đồng VN; còn tiền kip Lào gần gấp 3. Số nước miễn visa cho Lào và Campuchia cũng hơn VN...
Khách du lịch đến Campuchia tham quan đền Angkor Wat
Năm 2014, Lào (dân số 7 triệu) đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, Campuchia (dân số chưa đến 15 triệu) đón 4,5 triệu lượt khách. Trong khi đó, VN (dân số 91 triệu) đón 7,9 triệu lượt khách. Xét về hiệu quả thì VN thua xa. Khách Việt qua Campuchia gần triệu lượt, vào Lào hơn nửa triệu nhưng khách Campuchia và Lào vào VN chỉ hơn phân nửa số lượt khách Việt vào xứ họ. Campuchia có hàng trăm hướng dẫn viên (HDV) tiếng Việt; Lào cũng có vài chục. Ngược lại VN chỉ có 1 hướng dẫn viên tiếng Khmer và một ít tiếng Thái (chung ngôn ngữ với Lào). Cả Lào và Campuchia đều cấp visa tức thì ngay tại các cửa khẩu, còn VN thì đòi hỏi rất nhiều thủ tục nhiêu khê.
Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu 6 nỗi sợ hãi của du khách nước ngoài khi đến VN: Tình trạng “làm giá, chặt chém”; Rất sợ giao thông VN; Tình trạng ăn xin, ăn cắp vặt; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Vệ sinh môi trường; Không thể hiện sự tôn trọng khách. Những nỗi sợ này có từ gần 20 năm trước. Báo chí và dư luận đã nói nhiều, nhưng đó là lần đầu tiên được Chính phủ thừa nhận. Những nỗi sợ này cả Lào và Campuchia đều không có hoặc ít hơn ta nhiều. Oái ăm thay, Tổng cục Du lịch vừa công bố số liệu điều tra sự hài lòng của trên 14.000 khách quốc tế đến VN với những con số đẹp hơn mơ. Mức độ tốt và rất tốt là 94,05%. Trung bình là 5,73% còn kém và rất kém chỉ 0,22%. Nếu con số này đúng thì du lịch VN phải dẫn đầu thế giới, chứ không vật vờ “tự sướng” với vị trí đứng đầu top cuối khối ASEAN.
Chỉ nêu 2 ví dụ nhỏ. Đảo Rong Samloem ở Campuchia (cách Sihanoukville 25 km) đẹp hoang dã, biển sát rừng nguyên sinh. Hàng chục doanh nghiệp đầu tư, kiểu du lịch sinh thái đúng nghĩa, toàn nhà tranh vách ván. Không internet, không máy lạnh, tủ lạnh; điện máy phát thường có từ 18 - 24 giờ hằng ngày. Vậy mà khách Tây cứ đầy ắp, ở cả tuần, giá đắt gấp 3 - 4 lần trên đất liền. Nhà hàng Manichan ở Vang Vieng (Lào) thiết kế trang nhã nhưng không có máy lạnh, để giữ nguyên hương vị các món ăn. Nhà vệ sinh bên cạnh lại gắn máy lạnh tinh tươm, có cả nến trầm và hoa thơm dịu nhẹ.
Nhà vệ sinh luôn sạch
Lào không có biển, du lịch chủ yếu là sinh thái và văn hóa với 2 di sản thế giới là đền Wat Phou ở Pakse (tỉnh Champasak), phố cổ Luang Prabang và thêm cánh đồng Chum đang được đề nghị là di sản thế giới. Biển Campuchia chỉ bằng 1/8 VN, du lịch thu hút khách đa phần bằng 2 di sản thế giới là Angkor Wat ở Siem Reap và đền Preah Vihear. Trong khi hơn 60% khách du lịch quốc tế đến VN là du lịch biển. Họ không có những Sơn Đoòng (hang động), Hạ Long (vịnh biển), Đà Lạt (hoa), Hà Giang (đá), chợ nổi, những vườn cây trĩu quả... ở Nam bộ với 8 di sản văn hóa, thiên nhiên như VN. Biết phận “nhà nghèo”, họ chắt chiu tiết kiệm, bù lại bằng sự thật thà, hiếu khách và trân trọng khách hàng.
Chỉ riêng chuyện nhỏ là nhà vệ sinh thì Lào và Campuchia đã “ăn đứt” VN mấy lần. Họ không có nhà vệ sinh tiền tỉ nhưng khắp nước Lào và Campuchia, nhà vệ sinh đều sạch sẽ. Riêng tại các khu du lịch nổi tiếng, các di tích, thắng cảnh, nhà vệ sinh cũng luôn được đầu tư chu đáo, sạch sẽ và có nhân viên chùi rửa liên tục.
Du lịch Lào và Campuchia hơn hẳn VN nhiều thứ dù ngành du lịch của họ sinh sau đẻ muộn hơn. Mới 15 năm chập chững, họ đã chạy nước rút, còn VN cứ “đủng đỉnh, vừa đi vừa nghỉ”. Giật mình nhìn lại, họ đã qua mặt như chuyện ngụ ngôn rùa và thỏ.
Họ “nghèo” hơn VN, cả kinh tế và tiềm năng du lịch nhưng lại tăng tốc qua mặt là nhờ tư duy quản lý của những con người cụ thể. Chính con người đẻ ra cơ chế, pháp luật và cả văn hóa là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.