Nhiều du khách nước ngoài đến Cao Bằng vô cùng thích những cung đường, đỉnh đèo, thắng cảnh non nước Cao Bằng vì nét hữu tình hoang sơ. Trong đó, cung đường đến các huyện phía Tây tỉnh Cao Bằng như Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm,… vô cùng kỳ vĩ, thích hợp du lịch khám phá, trải nghiệm và là lựa chọn yêu thích của du khách nước ngoài khi đến Cao Bằng.
Núi Phja Dạ hoang sơ và kỳ vĩ
Lukas một vị khách đến từ nước Đức, thích phượt bằng xe máy, chia sẻ anh tìm thông tin du lịch của Cao Bằng và quyết khám phá các huyện phía Tây. Khi đi xe máy, anh sẽ khám phá được nhiều địa điểm đẹp, thiên nhiên hùng vĩ và trải nghiệm văn hóa ẩm thực, đời sống người bản địa mộc mạc, chân thành và độc đáo.
Trong chuyến du lịch trải nghiệm của đoàn Pháp, mọi người đã bắt đầu tìm đến địa danh núi Phja Dạ thuộc xã Sơn Lập (Bảo Lạc) được coi là “nóc nhà” cao nhất của Cao Bằng với độ cao 1.987 m, với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ. Từ trên đỉnh núi, một dòng nước tuôn ra, lan tỏa thành dòng thác mềm mại xen lẫn những đám mây bồng bềnh trông rất đẹp mắt.
Lý do khách du lịch Tây rất thích địa điểm này là vì núi Phja Dạ có vẻ đẹp kỳ vĩ và còn hoang sơ. Đặc biệt, người dân nơi đây còn có rất nhiều câu chuyện hay, kỳ bí về núi Phja Dạ vừa thực, vừa hư để kể cho du khách. Chính vì vậy, núi Phja Dạ ngày càng thu hút các phượt thủ trẻ, du khách ưa mạo hiểm đến chinh phục, khám phá, trải nghiệm.
Ở núi Phja Dạ có vàng sa khoáng được khai thác từ thời Pháp thuộc, đã có rất nhiều đoàn chuyên gia địa chất đến khảo sát. Theo các nhà địa chất, ở một số khu vực núi có mỏ khoáng sản với trữ lượng khá lớn.
Mấy năm qua, các phương tiện thông tin đề cập khá nhiều đến tiềm năng, thế mạnh du lịch huyện Bảo Lạc. Du khách đến đây đều có cảm giác yêu thích và đánh giá lạc quan về vùng đất Tây Nam Cao Bằng, nơi đầu nguồn vòng cung sông Gâm hoang sơ, hùng vĩ, giàu trầm tích địa lý, bề dày truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa đa dạng nối liền cao nguyên đá Hà Giang và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, hai địa danh được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa thế giới, hai kỳ tích độc đáo hiếm có, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.
Cấu trúc thiên nhiên tạo cho Bảo Lạc nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Phja Dạ uy nghi hùng vĩ cao gần 2.000m, khối núi đá vôi khổng lồ nhô lên như một tòa tháp trên dãy núi đất đồ sộ tỏa rộng bốn hướng, mà nhà thơ Nông Quốc Chấn đã mô tả: “Em ơi Việt Bắc đẹp giàu/Núi rừng trùng điệp muôn màu cỏ hoa/Trên Phja Dạ mây mù bông chướng/Dưới đất kia sắt, thép, bạc, vàng”… Phja Dạ luôn mở ra bao điều kỳ thú cho du khách khi khám phá.
Vòng cung sông Gâm, dòng sông xanh như dải lụa mềm soi bóng núi rừng, nơi có những loài cá đặc sản nổi tiếng “ngũ quý hạ thủy” (anh vũ, trầm xanh, chiên, lăng, bống), “Mác cai vàng trĩu sông Gâm/Cá chiên nướng nẹp cây rừng mời nhau” thi vị tuyệt vời.
Dòng sông chảy xuyên suốt Bảo Lạc, Bảo Lâm sang Tuyên Quang hợp lưu với sông Lô, sông Hồng. Hai bên Việt Nam - Trung Quốc từng có dự tính mở tuyến du lịch mạo hiểm qua khe Hổ Nhảy (mốc 589 xã Cô Ba) xuôi dòng sông Gâm đầy lãng mạn và hiện thực, mang theo những sự tích huyền thoại đán Mẻ Nàng (đá Nàng tiên), gò lẳm chắp (gò phượng hoàng đậu), rằng thôm lốm (hồ đất sụt) nay trở thành ao sen tự nhiên nằm trên núi cao thắm màu hoa đỏ…
Ngoài ra, nơi đây còn có những trầm tích sinh động của thời khai thiên lập địa hình thành nên vỏ trái đất và cả kỳ tích của thời hiện đại do con người lao động tạo nên như: ruộng bậc thang, đèo Mẻ Pja, đèo Khau Cốc Chà… được mạng xã hội gọi là con đèo đẹp nhất Việt Nam.
Các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, du lịch tại Bảo Lạc cũng mong muốn tour leo núi Phja Dạ sớm được đưa vào khai thác, từ đó thu hút nhiều du khách quốc tế. Địa phương cũng cần nâng cấp các tuyến đường giao thông, vận động và hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng bền vững.
Hành trình dự kiến đi qua làng mạc, vượt nhiều địa hình và cảnh quan trong rừng, trước khi lên đỉnh núi. Vào mùa đông, trên đỉnh Phja Dạ có thể xuất hiện băng giá, tuyết rơi, thu hút đông đảo du khách tìm đến.
Các sản phẩm du lịch gắn với núi Phja Dạ được kỳ vọng sẽ mang đến sinh kế cho người dân ở khu vực chân núi, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Dãy núi Phja Oắc - Phja Đén đẹp hút hồn qua nhiều dáng vẻ
Núi Phja Oắc là “nóc nhà” thứ hai của Cao Bằng với độ cao 1.931 m, núi Phja Đén cao 1.391 m trải dài qua địa bàn các xã: Thành Công, Phan Thanh, Quang Thành và thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình). Vùng núi Phja Oắc - Phja Đén có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn và thung lũng nhỏ hẹp. Có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000 - 2.000 m so với mực nước biển.
Núi rừng Phja Oắc - Phja Đén đẹp hút hồn với nhiều dáng vẻ, những ngày trời quang mây, nắng đẹp, đứng trên đỉnh núi Phja Oắc có thể phóng tầm mắt ra xa, quan sát quang cảnh núi non trùng điệp, hùng vỹ. Với đặc điểm khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình thấp, độ ẩm cao, nơi đây là thiên đường cho các loài hoa. Rất nhiều loài hoa mọc tự nhiên trong rừng mang vẻ đẹp hoang dã, mê hoặc, đặc biệt là hoa đỗ quyên, lan rừng nở rực rỡ vào mùa xuân. Trong những ngày giá lạnh của mùa đông, du khách được thưởng ngoạn phong cảnh ấn tượng như ở châu Âu khi đỉnh núi Phja Oắc phủ kín một màu trắng của băng tuyết.
Bên cạnh đó, du khách ưa khám phá có thể tìm đến độc đáo nhất khiến du khách bị lôi cuốn mạnh mẽ, nhất là những du khách ưa khám phá cảnh sắc thiên nhiên khi đến với dãy núi Minh Long (Hạ Lang) chính là dải núi đá như một trường thành dài với nhiều ngọn núi liên tiếp có tổng chiều dài chân núi khoảng 7.000 m.
Ngoài núi Phja Oắc, còn có núi Phja Cao - một ngọn núi đứng độc lập nằm ở phía Đông xóm Nà Vị. Ngọn núi về phía Tây là vách đá dựng đứng lên đến đỉnh, còn phía Đông thoai thoải từ đỉnh xuống chân núi, phía Nam và phía Bắc đều là hai vách dựng đứng từ chân núi phía Đông lên đến đỉnh rất đều nhau. Nhìn hình dáng ngọn núi trông giống như con hổ đang phủ phục chầu về xóm Nà Vị với cái đuôi hướng về phía Đông là ngọn núi Mạ Đang. Vách núi phía Bắc có hang Ngườm Ngần, hiện cửa hang đã bị bịt kín.
Từ huyện Trà Lĩnh đi sang Trùng Khánh, du khách sẽ được ngắm những dãy núi hình tháp chóp chạy dài trên thung lũng bằng phẳng bên dòng sông Quây Sơn xanh ngắt. Đi thăm ngôi làng cổ người Tày ở Khuổi Ky với những ngôi nhà trình tường độc đáo. Đến huyện Thạch An, du khách đến với núi Báo Đông cao gần 1.000m, thăm di tích Đài quan sát Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950. Từ trên ngọn núi này du khách có thể quan sát với tầm nhìn xa hàng chục km, xung quanh là những ngọn núi hình chóp như những bàn tay Phật khổng lồ giơ lên đón mây trời.
Theo hướng Bắc, du khách sẽ đến với những dãy núi đá cao độc đáo vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng khám phá không gian “văn hóa núi đá” đồng bào Mông. Độc đáo hơn có Cúc đá ở Lũng Luông, xã Kéo Yên. Các nhà khoa học xác định đây là điểm đứt gẫy địa tầng đầu tiên có hóa thạch Cúc đá (Ammonite) - tên nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm, đại diện cho đứt gẫy địa tầng sâu Cao Bằng - Tiên Yên hướng Tây Bắc - Đông Nam, có giá trị quốc tế.
Sau khi du khách khám phá những cung đường, đỉnh núi, đỉnh đèo các huyện phía Tây của Cao Bằng, từ đây du khách sẽ được trải nghiệm dòng sông Gâm huyền thoại để sang chiêm ngưỡng thắng cảnh tỉnh Hà Giang.