Văn hóa - Du lịch

Du lịch “chữa lành”: Xoa dịu tâm hồn, tìm kiếm năng lượng tích cực

Minh Hoàng 18/06/2024 - 16:54

Gần đây, xu hướng đi du lịch để “chữa lành” trong giới trẻ đang nở rộ. Nhu cầu này xuất phát từ những áp lực từ cuộc sống và công việc khiến họ mất cân bằng, rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng. Bên cạnh đó, việc đi du lịch cũng giúp họ thoát khỏi sự nhàm chán của cuộc sống hối hả hàng ngày, tìm đến những địa điểm vừa mới vừa yên tĩnh giúp giải tỏa căng thẳng cũng như tạo ra những kỷ niệm đẹp.

Nở rộ du lịch “chữa lành” trong giới trẻ

Mới 5h30 phút sáng, Huy (25 tuổi) trú tại Cầu Giấy, Hà Nội vội vàng thức giấc vệ sinh cá nhân chuẩn bị đồ đạc để “làm một chuyến đi chữa lành" (theo như cậu nói với bạn bè) ở khu vực Hòa Bình cách Hà Nội khoảng 80km. “Em là một nhân viên sáng tạo của một công ty trong lĩnh vực Game (trò chơi điện tử) nên áp lực công việc của em khá cao. Nếu không đi chắc em bỏ việc mất anh ạ”, vừa chất đồ lên chiếc xe ô tô dùng để đi “phượt” Huy vừa chia sẻ… Cũng giống như Huy, trên nhiều diễn đàn về du lịch các bạn trẻ lên thường lập các nhóm để cùng đi du lịch “chữa lành” mong muốn có được những trải nghiệm và những khoảnh khắc, kỉ niệm đẹp trong quãng đời tuổi trẻ.

du-lich-chua-lanh-2-.jpg
Một chuyến đi “chữa lành”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thay vì cùng nhau đi "phượt" để ngắm những cung đường đẹp trên mọi miền Tổ quốc hay trải nghiệm những trò chơi cảm giác mạnh tại các trung tâm giải trí, thời gian gần đây, giới trẻ có xu hướng du lịch “chữa lành”, hướng đến các dịch vụ mang tính an tĩnh hơn để làm mới cảm xúc, thư giãn tâm hồn, hướng đến những giá trị sống tích cực. Sự thay đổi của xu hướng du lịch này có lẽ bắt nguồn từ nhu cầu muốn có một cuộc sống hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn.

Đầu năm 2024, tại tọa đàm “Quốc gia hạnh phúc - vai trò và đóng góp của khoa học liên ngành”, tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia khẳng định, một trong các giải pháp giúp cải thiện chỉ số hạnh phúc của người Việt là phát triển các tour du lịch “chữa lành”. Về cơ bản, du lịch “chữa lành” là loại hình du lịch được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, với các hoạt động như thiền, yoga, trị liệu tâm lý, chẩn trị y học cổ truyền, thưởng thức ẩm thực thực dưỡng...

Theo TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), điểm dừng chân của du lịch “chữa lành” thường là những không gian sở hữu nền tảng thiên nhiên nguyên sơ, hệ sinh thái thực vật phong phú có khả năng mang đến cho du khách sự kết nối thuần khiết với thiên nhiên. Tại đây, du khách được gặp gỡ các chuyên gia tâm lý, chuyên gia tư vấn để giải tỏa những căng thẳng, tìm kiếm sự phục hồi thân - tâm - trí. Các chuyên gia cho rằng, hiện có nhiều điểm tương đồng về mặt nội hàm giữa du lịch “chữa lành” và một số hình thức du lịch khác như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch dưỡng sinh, du lịch tâm linh... nhưng du lịch “chữa lành” thiên nhiều hơn về mục tiêu chăm sóc cảm xúc, xoa dịu tâm hồn, mang đến nguồn năng lượng tích cực cho du khách.

Đi du lịch “chữa lành” liệu có “lành”?

Du lịch “chữa lành” là một sản phẩm xuất phát từ nhu cầu thực tế, tuy nhiên thời gian gần đây nhiều bạn trẻ đang bị nhầm giữa khái niệm du lịch “chữa lành” với du lịch tự phát. Điều này, dễ dẫn đến những trải nghiệm không đáng có thậm chí là nguy hiểm cho người đi du lịch. Gần đây lợi dụng hình thức du lịch tự phát, nhiều đối tượng đã rao bán hàng loạt chương trình giá rẻ nhằm lừa đảo, trục lợi. Điển hình như mới đây, do tin vào lời quảng cáo giới thiệu tour du lịch tự phát do người dân đảo thực hiện với giá rẻ 4 triệu đồng, đã bao gồm dịch vụ xe đưa đón, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, phí chèo kayak, lặn ngắm san hô... Thế nhưng khi đã chuyển khoản đặt cọc trước 50% thì người bán tour đã thay website, số điện thoại, không thể liên lạc được. Tình trạng nhiều “tour du lịch ảo” được bán cho những người đi du lịch tại các tuyến điểm tự phát khiến nhiều người tiền mất tật mang mà đành ngậm đắng nuốt cay chịu mất tiền.

Theo các chuyên gia du lịch, du lịch tự phát bắt nguồn từ những du khách tự đi du lịch, qua đó khám phá ra những cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa mà doanh nghiệp lữ hành chưa khai thác. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ trên báo chí, thời gian gần đây tại một số tỉnh đang bùng nổ các dịch vụ du lịch tự phát tại những điểm đến có phong cảnh đẹp. Điều đáng nói, những chương trình du lịch tự phát này đều do cá nhân đứng ra tổ chức, tự tìm kiếm địa điểm đẹp từ những review (nhận xét sau trải nghiệm) trên mạng. Trong khi đó, các cá nhân tổ chức du lịch này không hề có kinh nghiệm về tổ chức tour và hướng dẫn du lịch mà trong đó điều quan trọng nhất là khả năng đảm bảo an toàn cho đoàn. Bên cạnh đó, việc đi du lịch tự phát không thông qua chính quyền địa phương, khi có sự cố xảy ra thường gặp khó khăn trong việc tìm được sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng chức năng, dẫn tới nhiều hệ lụy không mong muốn.

Nhóm của Huy là một ví dụ. Theo lời Huy kể: “hôm đó, trời đã về chiều cả nhóm hạ trại bên một bờ suối, chưa kịp dựng lều thì cơn mưa đầu mùa hè ập tới, sấm sét giăng đầy trời. Cả nhóm vội chui vào một chiếc lều được dưng trước đó, năm người ngồi co ro rét mướt vì gió tạt mà lều bé không đủ che chắn. Ngồi chừng hơn nửa tiếng thì nghe tiếng nước ồ ồ chảy. Một đứa thò cổ ra nhìn rồi hét lên lũ về. Thế là mấy đứa ba chân bốn cẳng bỏ cả đồ đạc chạy ra xe. Vì cả đội cắm trại gần giữa suối nên khi gần lên đến chỗ đất cao thì xe bị ngập nước chết máy, lại bỏ xe chạy. Chuyến đó cả lũ đã có một trải nghiệm nhớ đời, thậm chí chậm chút nữa là bọn em đã mất mạng rồi”, Huy nói.

Để bảo đảm được an toàn cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, các mô hình du lịch phải tuân thủ các quy định khi kinh doanh các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển. Thực tế cho thấy, tại những điểm du lịch tự phát, bên cạnh môi trường du lịch chưa được kiểm định chất lượng thì cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ du lịch còn sơ khai, thiếu nhà vệ sinh, biển chỉ dẫn... Các dịch vụ phục vụ du lịch tự phát đều do dân địa phương làm, hoạt động theo thời vụ, theo lượng khách nên có hạn chế về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, không thể cung cấp đầy đủ những thông tin chính xác cũng như yếu tố rủi ro về thiên tai, khí hậu liên quan đến trải nghiệm.

Vì vậy, khi có nhu cầu thực hiện một chuyến du lịch "chữa lành", du khách cần tìm hiểu kỹ địa hình, dịch vụ tại điểm đến để chọn được nơi thực sự đem đến một cảm giác yên bình, xoa dịu tâm hồn và có được một nguồn năng lượng tích cực mới sau mỗi chuyến đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch “chữa lành”: Xoa dịu tâm hồn, tìm kiếm năng lượng tích cực