Dự kiến xuất khẩu da giày năm 2021 đạt 23 tỷ USD

Trang Nhi| 16/07/2021 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự kiến cả năm 2021, ngành da giày Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 15 - 16% so với năm 2020.

Trao đổi với báo chí, đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, đến nay, nhiều doanh nghiệp da giày lớn đã có đơn hàng xuất khẩu cho cả quý III và quý IV. Ngoài ra, những chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại là cơ hội để doanh nghiệp da giày Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

xuat-khau-da-day.jpg
Dự kiến xuất khẩu da giày năm 2021 đạt 23 tỷ USD

Với sự phục hồi của thị trường, nhất là tại Mỹ, EU và do suy giảm sản lượng tại các nước châu Á khác, dự kiến cả năm 2021, ngành da giày Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 15 - 16% so với năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 6/2021, xuất khẩu sản phẩm da giày Việt Nam đạt gần 2,33 tỷ USD, tăng 19,5% so với tháng 6 năm 2020, trong đó gồm 2 tỷ USD giày dép và 325 triệu USD túi xách các loại. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu da giày Việt Nam đạt 12,1 tỷ USD (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020). 

Bộ Công Thương đánh giá, nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp da giày đã chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do ( FTA) mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành trong thời gian qua. Với EVFTA, da giày là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhất.

Cùng bàn luận về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đánh giá, xuất khẩu da giày nửa đầu năm 2021 tăng trưởng được còn do da giày Việt Nam có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh. Điển hình như giá nhân công của Trung Quốc tăng cao khiến khách hàng di chuyển một lượng đơn hàng tương đối đáng kể sang Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp da giày cũng đang gặp phải những khó khăn. Dịch COVID-19 bùng phát tại các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn như Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các doanh nghiệp. Cùng với đó là tình trạng thiếu lao động do đơn hàng tăng, trong khi khó tuyển dụng thêm lao động và khó khăn trong việc đi lại giữa các địa phương vì các lệnh giãn cách xã hội. 

Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao gấp 5 - 10 lần, chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây khó khăn cho xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp lo ngại chi phí còn tăng trong các tháng cuối năm do Cảng Hải Phòng áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển với các mức cao.

Trước bối cảnh dịch COVID-19 các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế đình trệ, Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế trực tuyến, phổ biến cho các doanh nghiệp về cách tiếp cận các ưu đãi trong các hiệp định thương mại…

Với số lượng đơn hàng tăng, trong khi dịch bệnh ảnh hưởng nhiều mặt, trong thời gian tới các doanh nghiệp da giày lên phương án cần tập trung cho sản xuất, tiết giảm chi phí, tận dụng những ưu đãi và thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do để thực hiện tốt các đơn hàng xuất khẩu. Đặc biệt, lưu ý thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Chính phủ và các địa phương, nhất là đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, để giảm thiểu tác động do dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự kiến xuất khẩu da giày năm 2021 đạt 23 tỷ USD