Doanh nghiệp may mặc, da giày thích ứng với đại dịch Covid-19

Thanh Phương| 06/06/2021 15:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các nguyên vật liệu khan hiếm đẩy giá đầu vào tăng cao, đặc thù của ngành may mặc, giày da lại sử dụng đông công nhân nên nguy cơ lây lan trong nhà máy rất cao. Các doanh nghiệp phải linh hoạt, sáng tạo, chủ động thích ứng.

Dịch bệnh kéo dài đã tác động tiêu cực nhiều mặt, gây thiệt hại không nhỏ đối với các doanh nghiệp may mặc, da giày khiến việc tìm kiếm thị thị trường, nguồn nguyên liệu và cả công nhân tay nghề cao vốn đã khó nay lại khó hơn. Trong tình thế buộc phải thích ứng nếu như không muốn đi tới bờ vực phá sản, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chủ động trong việc tổ chức lại bộ máy quản lý, các khâu sản xuất, chuỗi cung ứng. Đồng thời tuyên truyền cho cán bộ, công nhân về ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

1(1).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn kiểm tra, động viên các đơn vị ngành may mặc, da giày

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã lăn lộn, trực tiếp xuống các cơ quan, đơn vị kiểm tra, đôn đốc, động viên chủ doanh nghiệp, công nhân hăng say sản xuất đi đôi với công tác phòng dịch ở cấp độ cao. Nhờ các giải pháp thích ứng tốt trong tìm kiếm thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tình hình sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm may mặc đã có tín hiệu khả quan ngay từ những tháng đầu năm 2021. Trong đó, trong tháng 1/2021, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tăng 28,3% so với cùng kỳ; ngành da giày cũng tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, ngoài các sản phẩm truyền thống như hàng thời trang, áo sơ mi, jacket, hầu hết các đơn vị dệt may trên địa bàn tỉnh đều tăng cường sản xuất thêm các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch trong nước và xuất khẩu, như: khẩu trang kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế... đáp ứng nhu cầu thị trường và thuận lợi trong hoạt động tiêu thụ.

Ghi nhận tại Công ty CP May BHAD (đóng tại huyện Quảng Xương) các dây chuyền vẫn đang gấp rút hoàn thành sản phẩm để kịp chuyển cho đối tác châu Âu. Doanh nghiệp này đã sớm ổn định thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm và phát triển thêm các thị trường mới. Hiện công ty đã làm việc với đối tác và có đơn hàng ổn định trong năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn mới đây đã đi kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch tại Công ty CP Tiên Sơn với hơn 8.500 công nhân lao động; Công ty TNHH giầy Aleron Việt Nam - nơi làm việc của 11.000 người lao động.

Các Công ty đã thành lập tổ chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19, “Tổ an toàn Covid-19” với nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe hàng ngày đối với người lao động trong Công ty và xử lý các tình huống bệnh dịch theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương và Bộ Y tế.

Chính quyền địa phương, cơ quan y tế thường xuyên phối hợp với các đơn vị sản xuất phun thuốc sát khuẩn khu vực nhà xưởng; thực hiện đo thân nhiệt đối với các khách hàng đến giao dịch, đối với toàn thể công nhân viên nhà máy trước khi vào cổng.

2.jpg

Các công nhân may tuân thủ quy định về phòng chống dịch Covid-19

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn khẳng định, Thanh Hoá luôn quan tâm, chia sẻ, đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp cả trong sản xuất, kinh doanh, cả trong việc phòng, chống dịch Covid-19, cả lúc thuận lợi và trong khó khăn.

Đợt bùng phát dịch lần này diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tốc độ lây lan nhanh, song với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, ủng hộ của nhân dân, tình hình dịch đã được khống chế tốt. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan, lơ là trước mọi tình huống. Tỉnh luôn quan tâm đến công tác phòng, chống dịch trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn, trong đó có các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, bởi doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế. Doanh nghiệp có sản xuất, kinh doanh tốt thì mới tạo đà cho kinh tế phát triển.

Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch tổ chức test nhanh kháng nguyên virut SARS-CoV-2 cho từ 20-30% người lao động của công ty. Cùng với đó, các đơn vị cũng phải xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch khả thi nhất tại các nhà máy. Doanh nghiệp phòng, chống dịch tốt sẽ góp phần vào kết quả phòng, chống dịch chung của cả tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hoá sẽ tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho một tỷ lệ nhất định công nhân đang làm việc trong các nhà máy tại các khu công nghiệp, trong đó có Công ty TNHH giầy Aleron Việt Nam. Điều này thể hiện sự đồng hành của tỉnh đối với hoạt động của các doanh nghiệp.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp may mặc, da giày thích ứng với đại dịch Covid-19