Dự kiến đến năm học 2021-2022 Gia Lai thiếu khoảng trên 2.800 giáo viên

Đức Duy| 05/12/2020 18:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là thông tin mà đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc và khảo sát việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại tỉnh.

Thiếu giáo viên

Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh Gia Lai đã ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương nhằm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng tài liệu giáo dục địa phương…

Riêng về tài liệu giáo dục địa phương, đến thời điểm này, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã xây dựng xong khung chương trình và tổ chức biên soạn “Tài liệu giáo dục kiến thức địa phương - lớp 1”, dự kiến cuối năm nay ban hành tài liệu này.

bo-truong-nha.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm việc với tỉnh Gia Lai.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, những năm qua, cơ sở vật chất trường lớp của tỉnh được quan tâm đầu tư nên đã có sự thay đổi rõ rệt. Các địa phương trong tỉnh chú trọng rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ. Bảo đảm yêu cầu 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày đối với lớp 1.

Khó khăn của Gia Lai hiện nay là hệ thống trường, lớp còn nhiều điểm lẻ, khoảng cách giữa các điểm trường xa, giao thông đi lại khó khăn; nhiều trường lớp đã xuống cấp. “Triển khai lớp 2, lớp 6 tỉnh Gia Lai có thể cố gắng để đảm bảo cơ sở vật chất, nhưng tới lớp 3, lớp 7, lớp 10 sẽ khó khăn”, Giám đốc Sở Lê Duy Định nói.

Về đội ngũ giáo viên, ông Định cho hay, mặc dù số lượng đã được tăng cường và chất lượng ngày càng nâng lên, song do phải thực hiện lộ trình cắt giảm biên chế nên tỉnh Gia Lai không có biên chế để giao đủ định mức giáo viên cho các đơn vị trường học. Tỷ lệ giáo viên trên lớp ở tất cả các cấp học tại Gia Lai đều thấp hơn so với quy định.

Theo tính toán, dự kiến đến năm học 2021-2022, tỉnh Gia Lai thiếu khoảng trên 2.800 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là ở bậc mầm non với hơn 1.500 giáo viên. Từ đây, tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ GDĐT kiến nghị Chính phủ ưu tiên bổ sung đủ biên chế giáo viên, nhân viên cho tỉnh đảm bảo theo đúng định mức.

Ngoài ra, Gia Lai cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ ngân sách trung ương để tỉnh sớm phê duyệt kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Quan tâm phân bổ kinh phí cho tỉnh thông qua các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ để kiên cố hóa cơ sở vật chất trường lớp học, phát triển đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn để triển khai chương trình mới

Nhận định về những khó khăn của giáo dục Gia Lai, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của địa phương để vượt qua khó khăn đạt được những kết quả giáo dục và đào tạo tích cực, Bộ trưởng Bộ GD-DDT Phùng Xuân Nhạ  cho rằng, trong bối cảnh của một tỉnh có địa bàn rộng, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, những kết quả đạt được của giáo dục tỉnh Gia Lai là rất ý nghĩa.

Với quan điểm, dù khó khăn thì việc triển khai chương trình mới không thể chậm trễ, Bộ trưởng  Nhạ đề nghị, tỉnh Gia Lai tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn để triển khai chương trình mới. Trong đó, để giải bài toán về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên một cách căn cơ, có lộ trình và đảm bảo tính khả thi, tỉnh cần xây dựng và sớm phê duyệt đề án về đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ ngũ giáo viên cho giai đoạn 5 năm tới.

Đối với tài liệu giáo dục địa phương, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Gia Lai cần quan tâm, rà soát, thẩm định kỹ lưỡng trước khi ban hành. Đây không phải là tài liệu tham khảo, bổ trợ mà là tài liệu dạy học chính thức nên nội dung, minh chứng và sự kiện đưa vào phải chính xác, được lựa chọn, kiểm tra chặt chẽ, nếu không có thể dẫn đến tranh luận.

“Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc tỉnh có thể trao đổi, báo cáo với Bộ GD-ĐT. Bộ sẵn sàng tư vấn, phối hợp, đồng hành cùng địa phương “gỡ khó”. Những việc trong thẩm quyền, Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết ngay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ trưởng đề nghị ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể; theo đó, các địa phương, nhà trường bám sát để thực hiện. Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo kiến thức cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự kiến đến năm học 2021-2022 Gia Lai thiếu khoảng trên 2.800 giáo viên