Sáng nay 24/7, Quốc hội đã nghe báo về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, đã trình bày Tờ trình về kế hoạch này.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025
Bộ trưởng cho biết, dự kiến Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Chính phủ trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn với các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Đầu tư công.
Trong đó, thông qua danh mục 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) với tổng số vốn ngân sách Trung ương (NSTW) chi cho đầu tư là 100 nghìn tỷ đồng, gồm: CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 50 nghìn tỷ đồng; CTMTQG xây dựng nông thôn mới là 30 nghìn tỷ đồng; CTMTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững là 20 nghìn tỷ đồng.
Đối với các dự án quan trọng quốc gia: Thông qua danh mục và mức vốn bố trí cho 2 dự án chuyển tiếp và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư là 65.795,847 tỷ đồng; khoảng 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2).
Đối với số vốn còn lại khoảng 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác, trường hợp phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định.
Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Đối với các dự án dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn NSTW, cho phép giao kế hoạch đầu tư cho từng dự án đáp ứng đủ quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công đến thời điểm Quốc hội thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Đối với các dự án chưa đáp ứng quy định, đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án theo đúng quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ cũng trình Quốc hội cho phép kéo dài kế hoạch vốn các năm 2017, 2018 sang giai đoạn 2021-2025 của 12 dự án với số vốn là 4.118,884 tỷ đồng.
Dự kiến bố trí gần 105.000 tỷ đồng cho những dự án trọng điểm
Báo cáo thẩm tra về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết: Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, phương án Chính phủ dự kiến vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN), đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực.
Nhưng Chính phủ cần lưu ý tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu NSNN thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau.
Về chi tiết phân bổ vốn NSTW trong nước (1.080.000 tỷ đồng), Ủy ban TCNS nhận thấy, phương án phân bổ chưa bảo đảm cụ thể vì bên cạnh việc phân bổ 100.000 tỷ đồng dự kiến dành cho các CTMTQG, số còn lại 69.643,453 tỷ đồng, Chính phủ dự kiến thực hiện một số nhiệm vụ chưa có phương án chi tiết đảm bảo đầy đủ danh mục dự án theo quy định của Luật Đầu tư công. Đề nghị Chính phủ giải trình rõ vấn đề này.
Đối với số vốn chưa trình phương án phân bổ và số vốn dự kiến phân bổ cho các dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư, đa số ý kiến đề nghị trình Quốc giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, và ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Chính phủ giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đối với các CTMTQG, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí về danh mục và tổng vốn đầu tư dành cho các CTMTQG. Tuy nhiên, việc hoàn thành thủ tục triển khai các CTMTQG cho đến nay là quá chậm; đồng thời đề nghị rà soát lại nhiệm vụ, mục tiêu, đối tượng, địa bàn để bảo đảm không trùng lắp, gây lãng phí ngân sách.
Về việc phân bổ cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm khác, Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104.533,847 tỷ đồng của Chính phủ. Đối với số vốn 78.719 tỷ đồng, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với dự kiến hoàn thành 1.700 km tuyến đường ven biển trong 5 năm, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng khó khả thi vì các tuyến đường ven biển đi qua nhiều cửa sông, cửa biển, địa hình phức tạp, tính kết nối chưa rõ; khả năng bố trí NSNN hoàn thành toàn tuyến đường chưa có cơ sở, tuyến đường này đi qua những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, khó bảo đảm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ vấn đề này.