Dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND: Sẽ sớm thông qua và có hiệu lực ngay

Tống Toàn| 17/01/2014 20:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) tại TAND sẽ được thông qua ngay đầu tuần tới, theo tinh thần phiên họp bế mạc của UBTVQH khóa XIII, diễn ra vào ngày 15/1/2014.

Dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND: Sẽ sớm thông qua và có hiệu lực ngay

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ 24 UBTVQH

 

Theo Tờ trình của TANDTC do Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trình bày, việc ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại TAND nhằm tạo cơ sở pháp lý để Tòa án áp dụng trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC là hết sức cần thiết và là điều kiện bắt buộc để Tòa án có thể thực hiện nhiệm vụ mới theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 chương, 42 điều quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng BPXLHC đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng BPXLHC còn lại.

 

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: Về cơ bản, Thường trực Uỷ ban Tư pháp tán thành với các quan điểm chỉ đạo và các yêu cầu của việc soạn thảo Pháp lệnh được nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, theo ông Hiện, một vấn đề đáng lưu ý là, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại TAND mang tính chất đặc thù, không phải là quyết định hành chính đơn thuần, vì vậy dự thảo Pháp lệnh cần đảm bảo quy định được tính đặc thù này, khắc phục các hạn chế trước đây.

 

Đồng tình với quan điểm của Tờ trình dự án Pháp lệnh, đa số Ủy viên UBTVQH cho rằng, đây là biện pháp hành chính đặc biệt, ảnh hưởng đến quyền tự do của con người nên cần có sự tham gia của VKS để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong mỗi quyết định được Tòa án đưa ra. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, nếu coi việc Tòa án ban hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính cũng có tính chất như quyết định hành chính đơn thuần thì không thuyết phục. Bởi, việc đưa ra Tòa án xem xét, quyết định biện pháp xử lý hành chính cũng phải theo trình tự tố tụng tư pháp. Ngoài ra, việc đưa ra Tòa án xem xét, quyết định là để bảo đảm xem xét phân minh, đúng trình tự, thủ tục, không có tính chất như quyết định hành chính đơn thuần. 

 

Tuy nhiên, quy định việc tham gia của đại diện VKS tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC tại Tòa án cũng có một số ý kiến trái chiều. Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cho rằng, trước hết cần xác định cá nhân vi phạm an ninh trật tự là hành chính chứ không phải là tội phạm. Nếu nói VKS tham gia kiểm sát thì cần phải cân nhắc kỹ có nên hay không? Theo ông Thể, nếu chỉ quy định VKS được quyền kiến nghị mà không được quyền kháng nghị thì không giải quyết được vấn đề gì, thà không quy định còn hơn.

 

Phân tích đối tượng áp dụng Pháp lệnh này mặc dù là các đối tượng chưa thành niên nhưng cũng có không ít thành phần nguy hiểm, nhiều tiền án, tiền sự, vì vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, rất cần VKS tham gia và cho ý kiến về quyết định áp dụng các BPXLHC của Tòa án. Theo đó, VKS không chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tại phiên họp mà còn phải phát biểu quan điểm về việc giải quyết hồ sơ đề nghị áp dụng BPXLHC. “Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên sẽ giúp cho Thẩm phán có thêm thông tin để cân nhắc, đưa ra quyết định có căn cứ, chính xác và đúng pháp luật”, ông Lý nói.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn nêu quan điểm, sự tham gia của VKS  tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại Tòa án là phù hợp. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, việc quy định Kiểm sát viên chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng BPXLHC của Thẩm phán, việc chấp hành pháp luật của người bị đề nghị áp dụng BPXLHC hoặc đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên (kể từ khi Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị cho đến trước thời điểm Thẩm phán kết luận phiên họp), mà không phát biểu quan điểm của VKS về giải quyết hồ sơ đề nghị vừa bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của VKS, vừa bảo đảm nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán khi đưa ra quyết định.

 

Vấn đề đặt ra là theo Nghị quyết số 24/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội “Về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính” quy định: Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, các quyết định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, việc chậm trễ ban hành Pháp lệnh trên dẫn đến rất nhiều khó khăn trong xử lý. Quy định TAND cấp huyện có thẩm quyền quyết định đưa những người trộm cắp, đánh bạc, nghiện hút… mà không phải là tội phạm vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, chữa bệnh thực tế đã có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa có Pháp lệnh để thi hành. “Nhiều trường hợp chúng ta bắt buộc phải đưa họ đi chữa bệnh nhưng chưa có Pháp lệnh thì Tòa án chưa thể quyết định được. Thế thì sẽ xử lý ra sao khi mà thả ra cũng không được, đưa họ vào trại tạm giam của Công an cũng không xong”, ông Ksor Phước nói.

 

Để giải quyết việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, sau phiên họp này, đến thứ Bảy hoặc Chủ nhật, Ủy ban Tư pháp cần tổ chức ngay phiên họp toàn thể để thẩm tra dự thảo Pháp lệnh. Sau đó, Thường vụ QH tổ chức một phiên họp nữa để xem xét thông qua Pháp lệnh ngay trong đầu tuần tới.

 

Tán thành với ý kiến trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp bằng cách nào đó họp toàn thể để xây dựng báo cáo thẩm tra cho Thường vụ QH họp xem xét thông qua ngay trong đầu tuần tới. “Văn bản này sẽ có hiệu lực ngay sau khi ký hoặc sau một, hai ngày chứ không phải 45 ngày như vẫn thường thực hiện, không thể chậm trễ được nữa”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chốt lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND: Sẽ sớm thông qua và có hiệu lực ngay