Chính trị

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Đề nghị bổ sung nguyên tắc "tăng cường kiểm soát quyền lực”

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 15/02/2025 - 12:38

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/2, các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Dự thảo luật quy định, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

dp2.jpeg
Đại biểu Trần Quốc Tuấn- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Nêu ý kiến về quy định này, Đại biểu Trần Quốc Tuấn- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là nội dung hết sức quan trọng, mang tính nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Theo đại biểu Tuấn, luật được thiết kế theo tư duy chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" và "phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để khơi thông các nguồn lực phát triển đất nước". Do vậy, đề nghị bổ sung nguyên tắc "tăng cường kiểm soát quyền lực khi được phân cấp, phân quyền, ủy quyền".

dp3.jpeg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

Về cơ cấu tổ chức của UBND, Đại biểu Hà Sỹ Đồng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng không nên giao Chính phủ quy định các ủy viên UBND, mà cần quy định cụ thể trong luật về cơ cấu tổ chức của UBND.

Hơn nữa, không nên bao gồm các ủy viên là giám đốc các sở ngành. Bởi lẽ các sở ngành chỉ là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND. Cơ cấu tổ chức của UBND chỉ nên gồm chủ tịch, phó chủ tịch, người đứng đầu đơn vị quân đội và công an cùng cấp.

dp6.jpeg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Giải trình, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, điểm cốt lõi, trọng tâm sửa đổi luật là phân định làm rõ việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương. Việc này theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong luật chuyên ngành, đảm bảo khơi thông, thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về tổ chức chính quyền địa phương và mô hình chính quyền địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay giữ nguyên như hiện tại, bởi còn tiếp tục có đánh giá tổng thể về mô hình của cả hệ thống chính trị. Theo đó sẽ có điều chỉnh, sắp xếp, nên tạm thời giữ nguyên.

dp4.jpeg
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Về chính quyền đô thị đang thí điểm vẫn thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội. Với các địa phương đô thị trực thuộc trung ương vẫn có thể tiếp tục đề xuất việc này, không có gì vướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Đề nghị bổ sung nguyên tắc "tăng cường kiểm soát quyền lực”