Chính trị

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội đảm bảo đúng tiến độ

Mai Thoa 19/10/2023 - 18:28

Chiều 19/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý III/2023. Ông Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp chủ trì buổi họp báo.

Báo cáo tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong quý III/2023, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đầy đủ và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật.

z4798350817804_3951442723676766588175fb97003095.jpg
Ông Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi họp báo.

Trong đó, công tác tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp tục được chú trọng thực hiện. Bộ Tư pháp đã trình 6/6 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, như: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản;...

Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp các bộ, ban, ngành có liên quan tổ chức nhiều Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để cho ý kiến, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là phối hợp với các cơ quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật được tiếp tục tập trung thực hiện. Tham mưu thành lập nhiều đoàn kiểm tra tại một số bộ, ngành, địa phương về công tác này. Đặc biệt, đã tham mưu và tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV tại các khu vực, góp phần thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở.

Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý... tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế trong một số lĩnh vực, như: Tham mưu xây dựng, trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác.

Công tác thanh tra, kiểm tra trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, như: Xử lý vi phạm hành chính, bồi thường nhà nước, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công chứng, trợ giúp pháp lý… được chú trọng thực hiện. Việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực này được thực hiện kịp thời.

Trong hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), Chánh Văn phòng Bộ thông tin, cả nước đã thụ lý 6.396 vụ việc TGPL tham gia tố tụng (trong đó có: 4.510 vụ việc bào chữa, 1.886 vụ việc bảo vệ) và có 3.867 vụ việc kết thúc (trong đó 2.607 vụ việc bào chữa, 1.260 vụ việc bảo vệ). Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên. Số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công là: 1.001 vụ việc (trong đó có: 745 vụ việc bào chữa, 256 vụ việc bảo vệ).

z4798350812663_d704bc84a11ff500d2068c0ddc41757e.jpg
Quang cảnh buổi họp báo

Bên cạnh đó, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cũng cho biết, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ tại về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong Quý III, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giải quyết 314.561 Phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022 và hầu hết đều được thực hiện bằng phương thức trực tuyến toàn trình).

Thông tin tại buổi họp báo về các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho hay, có 14 bộ, ngành, 51 địa phương đã ban hành kế hoạch hưởng ứng. Chủ yếu các địa phương thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương, tổ chức thi Hòa giải viên giỏi, tổ chức sâu rộng, lan tỏa tốt, nhiều nơi tổ chức từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh rồi mới lựa chọn đội dự thi toàn quốc. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai PBGDPL trong các hoạt động như hộ tịch và nhiều hoạt động khác.

Bộ Tư pháp có 3 hoạt động trọng tâm, đó là tôn vinh Gương sáng pháp luật, đến nay đã lựa chọn được 50 tấm gương đại diện cho các ngành, các cấp, địa phương dự kiến 2/11 sẽ tổ chức vinh danh. Từ việc tổ chức thành công ở các tỉnh, Hội đồng PBGDPL Trung ương sẽ tổ chức vòng thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc, nhằm tôn vinh, biểu dương các hòa giải viên xuất sắc và lan tỏa sâu rộng mục đích, ý nghĩa, giá trị nhân văn của công tác hòa giải ở cơ sở; dự kiến ngày 8/11 sẽ thi vòng chung kết tại Hà Nội, lễ tổng kết trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội đảm bảo đúng tiến độ