Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Tờ trình dự án Luật nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều đổi mới và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, xuất hiện vấn đề mới tác động đến trẻ em và việc thực hiện các quyền trẻ em. Việc thực hiện Luật năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của các vấn đề mới phát sinh cần sự điều chỉnh của pháp luật.
Cụ thể quy định "trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi" của Luật năm 2004 chưa thực sự tương thích với Công ước về quyền trẻ em. Luật năm 2004 quy định 10 trong số 28 quyền trẻ em được ghi nhận trong Công ước về quyền trẻ em. Các quyền còn lại hoặc chưa được quy định hoặc quy định rải rác tại các luật khác, chưa thể hiện được tinh thần của Luật, cần “tuyên ngôn” đầy đủ các quyền trẻ em theo Công ước về quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định trẻ em có quyền tham gia vào các vấn đề về trẻ em, trong khi các quy định về quyền này tại Luật năm 2004 chưa thể hiện được rõ về thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, tổ chức chưa được quy định cụ thể; chưa có quy định lồng ghép các vấn đề về trẻ em trong mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương, ngành. Các biện pháp giám sát, báo cáo việc thực hiện các quyền trẻ em chưa được quy định cụ thể, do vậy một số nội dung, chỉ tiêu về quyền trẻ em chưa được thực hiện đầy đủ… Đây chính là những lý do cần thiết ban hành Luật mới thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, bảo đảm tương thích hơn với Công ước về quyền trẻ em và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em; thể chế hóa Điều 37 Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em...
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội giao Chính phủ trình dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, đa số ý kiến cho rằng tên gọi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa thể hiện được nội dung về bảo đảm các quyền trẻ em được thực hiện, mới chỉ chú trọng quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em. Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ý kiến tán thành sửa tên của Luật thành Luật Trẻ em. Tên gọi này ngắn gọn, bảo đảm tính toàn diện và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật… và bao hàm đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật. Bên cạnh quy định về quyền và bổn phận của một nhóm chủ thể là trẻ em, Luật còn quy định về các biện pháp và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội bảo đảm thực hiện quyền trẻ em .
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị dự thảo Luật cần phải bám sát, bảo đảm tương thích hơn với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời dự thảo Luật cần nghiên cứu thể hiện trách nhiệm cụ thể của gia đình, nhà trường, xã hội, Nhà nước trong việc đảm bảo thực thi quyền của trẻ em.
Một số ý kiến tán thành nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 vì việc điều chỉnh độ tuổi này có căn cứ lý luận, thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vấn đề này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nêu: Các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế cho thấy trẻ em trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 có quá trình thay đổi phức tạp cả về thể chất lẫn tâm sinh lý và chưa có sự phát triển đầy đủ, hoàn thiện về thể chất, trí tuệ và tinh thần nên cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội và Nhà nước. Bởi vậy, Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp liên quan tới trẻ em quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc về Luật Trẻ em của 66 quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em cho thấy, đa số các nước đều quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi và hiện chỉ còn 8 quốc gia quy định độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi (trong đó có Việt Nam, mặc dù pháp luật Việt Nam hiện vẫn quy định độ tuổi thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên). Vì vậy, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa tương thích với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về độ tuổi trưởng thành đầy đủ, phù hợp với các quy định về độ tuổi trong giáo dục phổ thông (là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần, sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội). Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, cân nhắc để đảm bảo tính khả thi của quy định.
Theo chương trình, sáng ngày 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc, cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam.