Dự án cụm công trình cải tạo môi trường Hồ Vục và đường 40m Thạch Bàn – Ngọc Thụy thuộc quận Long Biên được trang trọng gắn biển “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” vào năm 2010, nhưng đến nay, tấm biển này đã nhanh chóng xuống cấp.
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội qua đi, để lại nhiều công trình đồ sộ, tráng lệ, có dấu ấn và có ý nghĩa hết sức thiết thực. Những tòa nhà, con đường, những dự án lớn được lãnh đạo Thành phố Hà Nội chỉ đạo gấp rút hoàn thiện với cái tâm, chất lượng cao nhất để kịp chào đón Thủ đô tròn 1000 năm tuổi.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng, Công viên Hòa Bình, Cung trí thức Thành phố, Bảo tàng Hà Nội, Dự án sản xuất gốm Chu Đậu, Dự án cải tạo Hồ Vục và đường 40m Thạch Bàn – Ngọc Thụy…Khắp đó đây, tất cả các cơ quan, ban ngành đã tổ chức long trọng Lễ cắt băng khánh thành đồng thời gắn biển công trình kỷ niệm Đại lễ.
Người dân Thủ đô cảm thấy rất tự hào khi quê hương mình có được những công trình xứng đáng, ghi lại dấu ấn lịch sử trọng đại và thiêng liêng đó.
Ngày 25/9/2010, cụm công trình cải tạo môi trường Hồ Vục và đường 40m Thạch Bàn – Ngọc Thụy thuộc quận Long Biên (dự án Hồ Vục) được trang trọng gắn biển “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Mặc dù, dự án chỉ này thi công mới được “non” nửa, nhưng đem lại sự phấn khởi cho người dân nơi đây, góp phần tô thêm vẻ trù phú của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, tấm biển này đã bị bỏ mặc và lãng quên.
Lễ gắn biển “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội" cho dự án Hồ Vục và đường Thạch Bàn – Ngọc Thụy
Nhiều người dân trong khu vực cho biết, ngay sau khi lễ gắn biển không lâu, bề mặt biển “Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” ở đây đã bị vỡ nát.
Bục bệ được xây quá cẩu thả, lộ ra những hốc trống, lõm sâu so với bề mặt. Khi được ốp đá granit, độ bám giảm, độ rỗng cao khiến kết cấu yếu, bề mặt dễ vỡ bởi tác động của ngoại lực. Dưới chân bệ là cỏ dại mọc xanh um so với những nơi gần đó.
Bệ được sử dụng để gắn biển tên công trình 1000 năm lại có kích thước lớn và nằm ngay sát đường. Người tham gia giao thông dù chỉ đi lướt ngang qua, cũng có thể nhận thấy thực trạng xuống cấp của công trình này. Mỗi ngày, công nhân môi trường đô thị vẫn làm việc trong khu vực, nhưng biển Công trình kỷ niệm 1000 năm vẫn như bị đặt giữa bãi cỏ hoang.
Hiện trạng, phiến đá ốp đã bị sập xuống chân bệ, để lộ dấu vết thi công ẩu thả, cỏ dại lên xanh tốt
Mới đây, chào mừng Đại hội Đảng các cấp trên địa bàn quận, tấm biển “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” được gắn cho dự án cải tạo Hồ Vục đã được sửa chữa một cách vội vã, cẩu thả.
Anh Nguyễn Văn Dũng (một người dân sống ở khu vực này) cho biết: ngày nào tôi cũng đi qua đây, cái biển ấy đã hỏng nhiều năm rồi, mới được thay cái bề mặt. Tuy nhiên cũng chỉ được khoảng một tháng, cả tảng đá granit ốp bề mặt lại sập xuống, các hốc xi-gạch cũ lại lộ ra nguyên trạng.
Không lẽ đây là một công trình quá khó tính toán về kết cấu. Phải chăng, về giá trị vật chất, nó quá nhỏ bé để không tạo được sự chú ý quan tâm sâu sát của các cơ quan trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, ứng xử nghiêm túc với biển “Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” dự án Hồ Vục còn khó hơn cả sửa chữa một công trình nghìn tỷ đã xuống cấp.
Các tấm biển kỷ niệm đại lễ là dấu ấn quan trọng, có giá trị về mặt văn hóa tinh thần, cần được giữ gìn và trân trọng, nhưng có vẻ như những giá trị ấy đang dần bị lãng quên.