Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam được nghiên cứu rất kỹ, chỉ ra các nguyên nhân chậm tiến độ ở các dự án trước đây, như việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và chủ yếu sử dụng vốn vay, phụ thuộc đối tác..
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan- Đoàn ĐBQH TP.HCM, người dân ai cũng ước mơ có một hệ thống giao thông hiện đại. Tuy nhiên có nhiều băn khoăn và cẩn trọng với nhận định trong báo cáo, đó là nguồn lực hiện nay tốt hơn, điều kiện làm dự án khả thi hơn.
Theo bà Lan, hiện cả nước có 22 sân bay, trong đó 15 sân bay quốc nội, 7 sân bay quốc tế. Vì vậy cần đánh giá kỹ việc làm dự án đường sắt ảnh hưởng như thế nào đến hàng không. Cần tính toán nhu cầu đi lại cụ thể của người dân, có nên chỉ ưu tiên vận tải hành khách.
Đặc biệt, theo đại biểu Lan, băn khoăn nữa là cách làm sao cho hiệu quả. Kinh nghiệm làm các dự án lớn vướng mắc giải ngân, đội vốn tiêu cực này tiêu cực kia cho thấy cần tính kỹ cách làm.
Cùng quan điểm, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa- Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng băn khoăn về năng lực thực hiện dự án.
Dẫn hàng loạt dự án trùm mền, đắp chiếu mà Tổng Bí thư chỉ ra rất lãng phí. Theo đại biểu Nghĩa, các dự án đầu tư tờ trình ban đầu rất hiệu quả nhưng sau đó lại là gánh nặng tài chính, những khu đất vàng bỏ hoang, đống sắt dần dần thành sắt vụn.
"Cũng dự án chỗ khác làm 5 năm, mình làm 10, 15 năm chưa xong. Người ta làm 10 đồng, mình làm 20 - 30 đồng"- Đại biểu Nghĩa so sánh.
Giải trình thêm tại tổ, về những lo ngại đội vốn, chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay trước đây một số tuyến metro gặp tình trạng này. "Tuy nhiên, với tuyến đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu rất kỹ, chỉ ra các nguyên nhân chậm tiến độ ở các dự án trước đây, như việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và chủ yếu sử dụng vốn vay, phụ thuộc đối tác".
Vì vậy, ông Thắng cho hay với dự án này, việc lựa chọn đối tác phải theo hướng tìm được nhà thầu có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và buộc chuyển giao công nghệ, không phụ thuộc vốn vay nước ngoài.
"Nếu có vay cũng không quá 30% tổng mức đầu tư, chia theo năm khoảng 46.000 tỉ đồng (1,85 tỉ USD/năm). Vay rẻ và cơ chế không ràng buộc để khi thi công xây dựng không phụ thuộc vào các yếu tố ràng buộc khi vay vốn và mức vay không quá 30% nên không phải là vấn đề lớn về tài chính" - Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Khái quát về dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, tuyến đường sắt có 85 đoàn tàu. Tàu chạy tốc độ 350km/h chỉ dừng ở 5 ga, thời gian chạy từ Hà Nội - TP.HCM là 5 tiếng rưỡi.
Ngoài ra, cũng có loại tàu chạy tốc độ 280km/h, dừng ở nhiều ga hơn cho người dân lựa chọn với các đoạn tuyến như Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.
"Vì vậy sau này khi nhu cầu tăng, công ty khai thác hoặc doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư thêm tàu và thuê đường ray để chạy"- Bộ trưởng Thắng thông tin.