Đời sống

Dự án đê gần 65 tỷ đồng đang thi công bị sụt lún, nứt gãy

Thanh Phương 29/05/2023 - 15:14

Mùa mưa bão đang đến gần, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang rất lo lắng vì các tuyến đê, hồ đập đã xuống cấp chưa có nguồn kinh phí đầu tư. Tại Nông Cống, dự án nâng cấp tuyến đê bao Ngọc Lẫm với số vốn gần 65 tỷ đồng đang thi công bị sụt lún, nứt gãy một cách bất thường.

Được biết, dự án nâng cấp đê Ngọc Lẫm được xây dựng tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống với chiều dài gần 6,5km do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Cống làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án gần 65 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ và đối ứng ngân sách huyện Nông Cống.

a2dengoclam.jpg
Tuyến đê Ngọc Lẫm thi công trên nền đất yếu

Mục tiêu của dự án là nhằm ngăn lũ cho lưu vực diện tích khoảng 300ha với gần 500 hộ dân, hơn 3.000 nhân khẩu, giúp đời sống người dân ổn định sản xuất, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, mới khởi công xây dựng chưa lâu, dự án này lại phải tạm dừng xây dựng các hạng mục chính hơn nửa tháng nay. Ngoài hiện trường phát sinh nhiều vấn đề liên quan công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất và bề mặt đê bị sụt lún, nứt gãy…

a1dengoclam.jpg
Hiện tượng lún, sụt bất thường

Bằng mắt thường có thể nhận thấy quá trình xây dựng, nhiều vị trí sau khi đắp đất bị sụt lún, nứt gãy nghiêm trọng. Mặt đê bị nứt dọc theo mép đê cũ về phía sông, vết nứt lớn rộng khoảng từ 5-20cm, sâu khoảng 50cm, chân đê phía sông đất phía ngoài bị đẩy trồi lên. Phần cống nối dài tại cọc 84 đã làm hoàn thiện nhưng bị đẩy trồi.

Trong đó, đoạn đê từ D13(K0+697) đến cọc trước cọc D26 và đoạn từ cọc D71(K3+415,07) đến cọc D79(K3+649,4) bị nứt. Tại hiện trường công trình, mặt đê đang đắp đến cao trình (+2.10) bằng mặt đê cũ thì xuất hiện nứt dọc theo phần tiếp giáp giữa đê cũ và khối đắp mới, đồng thời phần chân khối đắp mới ở phía sông được đẩy trồi.

Tại vị trí cống nối dài cọc 84(K3+756,54) đã thi công xong, hiện tại phần cuối tiêu năng và sân gia cố sau tiêu năng bị đẩy trồi, chênh lên khoảng 50cm. Ngoài ra, trên mặt bằng (mái đê) có một số cột điện cao thế nằm trong phạm vi đê, giao thông chuyển đất đắp qua địa bàn xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương cũng gặp một số khó khăn.

a3dengoclam.jpg
Việc lún, nút tạo thành hố 

Sau khi nhận được thông tin, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo UBND huyện Nông Cống khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, giải quyết, báo cáo vụ việc.

Theo báo cáo của UBND huyện Nông Cống: Dự án nâng cấp đê bao Ngọc Lẫm tại xã Trường Giang được khởi công xây dựng kể từ ngày 28/12/2022, thời gian hoàn thành dự án dự kiến vào ngày 28/12/2024 (24 tháng thi công).

Trong quá trình thi công xây dựng dự án, đã xảy ra một số vấn đề phát sinh liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và bề mặt đê bị sụt lún, nứt gãy cục bộ ở một số điểm: Đoạn đê từ vị trí cọc D13 (K0+673) đến trước cọc D26 và đoạn đang thi công từ vị trí cọc D71 (K3+415,07) đến cọc D79 (K3+649,4) bị nứt.

Nguyên nhân do phần đắp áp trúc đê trên nền đất yếu làm xuất hiện vết nứt dọc theo phần tiếp giáp giữa đê cũ và phần đất đắp mới. Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện các giải pháp để xử lý các đoạn nứt cục bộ đảm bảo ổn định. Qua theo dõi, đến nay không phát sinh thêm vết nứt mới.

Tại vị trí cống nối dài cọc 84 (K3+756,54) đã thi công xong, hiện tại phần cuối tiêu năng và sân gia cố sau tiêu năng bị đẩy trồi, chênh lên khoảng 50cm; việc đẩy trồi sân gia cố sau tiểu năng không làm hư hỏng công trình. Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện) đã chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện giải pháp khoan đục lỗ trên sân tiêu năng để làm giảm áp lực, đảm bảo an toàn cho công trình.

Hiện nay còn một số vị trí cục bộ nằm ở chân đê cũ chưa được bản giao, nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ thi công trên toàn tuyến. Ngoài việc chỉ đạo Chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục kịp thời các vấn đề phát sinh nêu trên, đảm bảo an toàn cho công trình; UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi dự án, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo quy định. Đồng thời đã chỉ đạo đơn vị thi công xây dựng phương án hộ đê tại các vị trí xung yếu trong mùa mưa bão.

Việc chuẩn bị đầu tư đánh giá địa chất cần được xem xét cụ thể, toàn diện, khoan thăm dò cẩn thận trước khi phê duyệt dự toán, thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công... Có như vậy mới tránh được những rủi ro phát sinh, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng tiến độ, kế hoạch và phát huy được giá trị công trình khi hoàn thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đê gần 65 tỷ đồng đang thi công bị sụt lún, nứt gãy