ĐT Việt Nam: Khi thay đổi là bắt buộc?

Thụy Anh| 14/01/2022 07:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiệm vụ đầu tiên của ĐT Việt Nam trong năm 2022 không gì khác ngoài việc đánh bại Trung Quốc ở trận tái đấu vòng loại 3 World Cup 2022. Một nhiệm vụ không phải là quá khó với thầy trò ông Park.

Thời điểm sau AFF Cup 2020, người ta đã bắt đầu nhìn ra những lỗ hổng rất lớn xung quanh câu chuyện lực lượng và lối chơi của ĐT Việt Nam.

Các đối thủ được xem là cứng cựa tại giải đấu như Thái Lan hay Indonesia đã giành thời gian để nghiên cứu cực kỹ lối chơi và phương thức dùng người của HLV Park. Cộng thêm việc tận dụng triệt để sự vắng mặt của một số trụ cột, các đội tuyển này đã khiến cho Binh đoàn Rồng Vàng trở nên bế tắc.

Kết quả là trong 3 trận đấu tại AFF Cup 2020 vừa qua (1 trận vòng bảng và 2 lượt trận bán kết), ĐT Việt Nam đã bất lực hoàn toàn trong việc tìm kiếm được bàn thắng.

dtvn_4.jpg
ĐT Việt Nam cần sự đổi mới sau AFF Cup 2020

Có vẻ như các phương án chiến thuật hay bài vở đấu pháp của HLV Park đã bị các đối thủ “bắt bài”. Hay nói đúng hơn là việc dùng đi dùng lại một sơ đồ, kết cấu lối chơi và ít có sự đổi mới đã khiến cho ĐT Việt Nam không còn nguy hiểm và rình rập như trước. Chỉ cần đối thủ trải quân và vây ráp để chặn đứng các ngòi nổ tấn công quan trọng đồng nghĩa luôn với việc Binh đoàn Rồng vàng bị ngắt đường đến khung thành đối thủ.

Bởi thế cho nên ngay sau AFF Cup 2020, phương án đổi mới lối chơi và nâng cấp đội hình được đề xuất thực hiện ngay lập tức. Để có thể làm được điều này, nhân sự phải là yếu tố quyết định đầu tiên.

Danh sách 30 cầu thủ đã được HLV Park Hang Seo triệu tập tham dự 2 trận đấu vòng loại 3 Wolrd Cup 2 gặp các đối thủ là Australia (27/1) và Trung Quốc (1/2).

Trên thực tế, giới chuyên môn hay NHM không quá bắt bất ngờ với bản danh sách này. Bên cạnh những cái tên đang là trụ cột quan trọng, ông Park cũng sẵn sàng gạch tên những công thần tưởng như không thể thay thế, cộng thêm đó là gọi lên những tân binh trẻ trung. Ngay lập tức, một câu hỏi được đặt ra, rằng liệu những người mới như trung vệ Hữu Tuấn, tiền vệ như Văn Xuân, Tô Văn Vũ,… hay thâm chí là người cũ quen mặt Trần Minh Vương có thực được góp mặt? Hay đó lại như cách làm bao lần cũ, gọi lên tuyển, hào hứng tập luyện rồi loại ngay phút chót với lý do không hợp. Hoặc có được chọn thì cũng chỉ là phương án dự bị ít khi được ngó ngàng tới?

Trên thực tế, đây không phải là chuyện hiếm tại ĐT Việt Nam nhiều năm qua. Trần Minh Vương chính là một trong số những cái tên đã được trải qua cảm giác này.

avaminhvuong-15055297.jpg
Minh Vương xứng đáng được trao cơ hội

Tại AFF Cup 2020, ngôi sao của HAGL chỉ ra sân đúng ở trận đấu với Lào, sau đó anh gần như biệt tích khỏi danh sách đăng ký của HLV Park ở các trận đấu tiếp theo.

NHM đã không khỏi bất ngờ khi mà trong bối cảnh ĐT Việt Nam cần một sự đổi mới trong cách vận hành thì ông Park vẫn cứ “ngó lơ” Minh Vương, bất chấp những cái tên như Xuân Trường hay Văn Đức chơi không hiệu quả.

Cầu thủ người Thái Bình được xem là nhân tố có khả năng tạo đột biến cực kỳ lớn, bằng chứng là mỗi lần được vào sân, anh đều để lại những dấu ấn vô cùng rõ ràng. Bởi vậy cho nên đây vẫn đang là một dấu hỏi không dễ tìm ra lời giải tại ĐT Việt Nam hiện tại.

Không những thế, hàng hậu vệ cũng đang là nỗi đau đầu xung quanh câu chuyện nhân sự. Tại AFF Cup 2020, hàng thủ của ĐT Việt Nam dù vẫn chơi ổn định nhưng lại thiếu đi ít nhiều sự tập trung. Cộng thêm đó, việc quanh đi quẩn lại vẫn chỉ gói gọn dàn nhân sự với những gương mặt quen thuộc. Bởi thế cho nên không ít ý kiến đã cho rằng, việc dùng đi dùng lại xuyên suốt các giải đấu có thể khiến các cầu thủ bị quá tải và điều đó có thể tác động đến phong độ cũng như sự tập trung.

Nói về vấn đề này, cựu HLV Đoàn Minh Xương từng cho rằng: "Bóng đá Việt Nam hiện không phải không có nhân tố mới, mà vấn đề là họ có được tạo cơ hội ở trên đội tuyển hay không".

"Thật ra thì nhiều trận đấu ở vòng loại World Cup, đội tuyển Việt Nam gần như biết trước kết quả sẽ thua, có dùng đội hình mạnh nhất cũng thua, nhưng các cầu thủ trẻ vẫn không được trao cơ hội để thử nghiệm, khiến cho tính kế thừa ở đội tuyển bị ảnh hưởng" - ông Xương nói thêm.

dtvn-tap-brvt-ngay-21_11-vff25(1).jpg
ĐT Việt Nam còn rất nhiều mục tiêu trong năm 2022

Cùng quan điểm với cựu HLV Đoàn Minh Xương, HLV Phan Thanh Hùng cũng không ngại ngần chia sẻ: "Tôi cho rằng ngay cả lực lượng dự bị của đội tuyển Việt Nam cũng rất tốt, chúng ta còn có phần nhỉnh hơn Thái Lan tại AFF Cup. Những cầu thủ này nếu được sử dụng sẽ không kém các gương mặt quen thuộc".

Còn nhớ ngay trước thềm diễn ra cuộc đối đầu với ĐT Việt Nam tại chiến dịch vòng loại World Cup hồi tháng 9, HLV Renrad của Saudi Arabia còn không ngần ngại mổ xẻ, phân tích và bóc tách luôn cách sắp xếp nhân sự của ĐT Việt Nam ngay trên kênh youtube của Liên đoàn Bóng đá Saudi Arabia.

Điều ấy chẳng khác nào ám chỉ việc cách HLV, không riêng gì ông Renard có thể nắm gọn ghẽ về đấu pháp của tuyển Việt Nam ở trận đấu sắp tới và bất ngờ không còn là yếu tố chủ đạo nữa. Một minh chứng không thể sáng sủa hơn về việc dùng đi dùng lại một đội hình và chơi đi chơi lại một bài vở đấu pháp.

Ngay lúc này, câu chuyện về làm mới nhân sự và đội hình đang được xem là ưu tiến cấp thiết lúc này. Giải mật điểm thiếu sót cho lối chơi, kiến tạo bài vở và lắp ráp những nhân tố mới để tương tích với sơ đồ. Đó sẽ là cơ sở và nền tảng đầu tiên để thầy trò HLV Park hướng tới nhiệm vụ đầu tiên là đánh bại Trung Quốc ở trận tái đấu sắp tới. Và xa hơn là cả những mục tiêu bền bỉ, dài hơi sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐT Việt Nam: Khi thay đổi là bắt buộc?