Đợt 2, Kỳ họp thứ 9: Quốc hội xem xét công tác nhân sự và "chốt" các Nghị quyết

Ngọc Mai| 07/06/2020 10:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp theo thành công của đợt họp thứ nhất, từ ngày 8-18/6, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV sẽ tiếp tục tiến hành họp đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội. Trong đó, công tác nhân sự là một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa ra Thông cáo Báo chí về kỳ họp thứ 9 (đợt 2) Quốc hội khoá XIV. Theo đó, từ ngày 8/6- 18/6/2020, Quốc hội tiến hành họp theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Biểu quyết một số Nghị quyết, tập trung công tác nhân sự

Theo đó sau đợt họp trực tuyến đầu tiên bắt đầu ngày 20/5 đến ngày 29/5, từ 8-18/6, Quốc hội bước vào tuần đầu tiên của đợt họp thứ 2 để tiến hành xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó Quốc hội sẽ biểu quyết: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). 

Biểu quyết các Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Biên phòng Việt Nam; biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Trong tuần làm việc, Quốc hội cũng sẽ nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về: việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội... và thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Đợt 2, Kỳ họp thứ 9: Quốc hội xem xét công tác nhân sự và

Ông Vương Đình Huệ và bà Nguyễn Thanh Hải- hai nhân sự sẽ được Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp

Đặc biệt, một nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét quyết định tại đợt họp tập trung là công tác nhân sự.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Do đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải do bà đã được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên.

Nhân sự thay thế vị trí của bà Hải sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ngay sau đó.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

Xem xét nhiều vấn đề liên quan phát triển kinh tế đất nước, bàn thảo các dự án luật

Trước đó, chính thức khai mạc từ ngày 20/5, Quốc hội đã trải qua 4 ngày làm việc của Kỳ họp thứ 9. Với hình thức họp trực tuyến từ đầu cầu Nhà Quốc hội tới 63 điểm cầu của các đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố. Đây là lần đầu tiên kỳ họp Quốc hội trực tuyến diễn ra liên tục nhiều ngày.

Măc dù là họp dưới hình thức trực tuyến chưa có tiền lệ, song số lượng đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến từ các đầu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố, không khí tranh luận tại các phiên thảo luận về các dự án luật sôi nổi không kém các phiên họp trực tiếp tại Nhà Quốc hội.

Ngay trong phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn, giảm các loại thuế để giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ ngay những khó khăn trước mắt và phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh;

Xem xét các mục tiêu tăng trưởng, chi tiêu ngân sách để có giải pháp điều chỉnh, thúc đẩy nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định của nền kinh tế, xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…

Cũng trong 4 ngày làm việc của tuần đầu tiên, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) để sớm hiện thực hóa các cam kết, lợi ích của hai hiệp định này, thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam - EU, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, từ đó, hồi phục và bật lên nhanh hơn sau đại dịch.

Liên quan công tác lập pháp, Quốc hội cũng đã thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Các đại biểu cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Đối với Nghị quyết này, đa số các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc triển khai, tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến xung quanh vấn đề kiểm soát quyền lực của chính quyền đô thị theo mô hình thí điểm bỏ HĐND cấp quận và cấp phường. Các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng khác với mô hình ở Hà Nội như thế nào để khi tổng kết, thí điểm chọn ra nhiều mô hình phù hợp, hiệu quả.

Trăn trở thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tại tuần làm việc trực tuyến thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, ngoài 2 dự án Luật trên, Quốc hội đã nghe trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận, cho ý kiến các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Cùng với công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã dành riêng một ngày để thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp quan trọng này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Đợt 2, Kỳ họp thứ 9: Quốc hội xem xét công tác nhân sự và

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận và làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ: Tình hình xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; Về đối tượng xâm hại trẻ em cũng rất đa dạng, gồm cả người lạ, người thân thích, ruột thịt, người có bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em như cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ của cơ sở bảo trợ xã hội; Về phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng, phức tạp, như xâm hại tình dục, sử dụng bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt, bỏ rơi, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em vào một số hoạt động kiếm tiền trái pháp luật đã để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng rất nặng nề cả về thể chất và tinh thần của trẻ em cũng như ảnh hưởng lớn đến gia đình, xã hội. Đặc biệt, có ý kiến đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình xâm hại trẻ em sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.

Tán thành với nhận định của Đoàn Giám sát về công tác ban hành chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, các đại biểu cho rằng công tác này được quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: nhiều đạo luật chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ; chế tài, xử lý vi phạm trong một số trường hợp chưa đủ sức răn đe; các văn bản pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đầy đủ, chưa phù hợp; tại nhiều địa phương, công tác này chưa được quan tâm đúng mức.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trên cả 12 mặt công tác được nêu trong Báo cáo giám sát, trong đó cần phải chú trọng công tác phòng ngừa là chính, như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại; đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, bảo vệ trẻ em trong quá trình giải quyết các vụ xâm hại trẻ em; đồng thời cho rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em hiện nay còn thiếu về số lượng, lại kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Một bộ phận cán bộ còn hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm, nhất là ở cấp xã; kinh phí dành cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã phân tích sâu sắc các nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em và cơ bản đồng ý với các nguyên nhân của những kết quả, hạn chế được nêu trong Báo cáo; đồng thời, yêu cầu làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội, các chủ thể trong công tác này nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và tán thành với 6 bài học kinh nghiệm được rút ra. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung và nhấn mạnh thêm trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời đề xuất thêm nhiều biện pháp cụ thể để hoàn thiện Nghị quyết nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận một số vấn đề vào cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn.

Tập trung công tác xây dựng pháp luật

Cũng trong tuần làm việc thứ 2, đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, một trong những nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm là nên hay không nên nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ 35% tổng số đại biểu Quốc hội như hiện nay lên mức 40% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc cao hơn nữa cho phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Dự án Luật khác được thảo luận đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cử tri, nhân dân, đó là việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hứa hẹn sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của những cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành, giúp người dân có thêm lựa chọn để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Đồng thời, giúp ngành Tòa án giải tỏa bớt áp lực do tồn đọng, quá tải các vụ án cần phải xét xử.

Đợt 2, Kỳ họp thứ 9: Quốc hội xem xét công tác nhân sự và

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề các ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, sáng ngày 25/5

Việc mở rộng đối tượng và diện tích đất được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ giúp người dân tiết kiệm được khoản tiền lớn, tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc miễn sắc thuế, tán thành và nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nông thôn phát triển.

Một trong những vấn đề được cho là rất khó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua đó chính là cơ chế chia sẻ rủi ro. Cơ chế chia sẻ rủi ro cũng được coi là một đề xuất táo bạo được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP. Theo đó, để chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư, dự thảo Luật - PPP mới nhất đưa ra 2 cơ chế, đó là cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Trong đó, phương án chia sẻ rủi ro theo phần tăng, giảm doanh thu của dự án được nhiều đại biểu ủng hộ bởi vừa hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư vừa bảo đảm tính hấp dẫn của dự án PPP.

Việc đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm của Luật đầu tư (sửa đổi) tiếp tục nhận được nhiều luồng ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội trong tuần. Tại báo cáo tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội sau phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, về việc cấm hay không dịch vụ kinh doanh đòi nợ, trong 409 phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, có tới 317 phiếu (77,51%) ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Cũng trong tuần làm việc này, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Đồng thời, nghe Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm, Quốc hội Việt Nam tiến hành họp trực tuyến đã đảm bảo thông suốt, thành công, hiệu quả khi hoàn thành khối lượng công việc lớn. Việc đổi mới cách thức kỳ họp thể hiện Quốc hội luôn thay đổi, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để theo kịp tình hình kinh tế, xã hội vì lợi ích nhân dân như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên khai mạc Kỳ họp. 

Phát biểu kết thúc chương trình đợt 1 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV qua hình thức họp trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành rất thành công chương trình đợt 1 của kỳ họp thứ 9. Hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Các đại biểu Quốc hội ở 63 điểm cầu và các đại biểu dự họp tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã tham gia đầy đủ và thảo luận sôi nổi, chất lượng. Mặc dù đây là lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến nhưng công tác phục vụ và bảo đảm điều kiện kỹ thuật cũng rất thành công.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đợt 2, Kỳ họp thứ 9: Quốc hội xem xét công tác nhân sự và "chốt" các Nghị quyết