Bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu, dòng tiền nhàn rỗi của người dân vẫn tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 được các ngân hàng niêm yết công bố, số dư tiền gửi của hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng dương sau 9 tháng. Trong đó, quán quân tiền gửi hiện là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với số dư tuyệt đối lên đến 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với hồi đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn chiếm khoảng 84% số này.
Các vị trí kế tiếp thuộc về 2 ngân hàng lớn khác gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với số dư tiền gửi lần lượt là 1,35 triệu tỷ đồng và 1,31 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tại 2 ngân hàng trên so với hồi đầu năm lần lượt ở mức 8% và 5%.
Danh sách trên chưa bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) bởi hiện, ngân hàng này chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính bán niên trước đó, số dư tiền gửi của Agribank đã dẫn đầu hệ thống với hơn 1,69 triệu tỷ đồng khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2023.
Các số liệu trên phần nào phản ánh khẩu vị rủi ro của người dân. Giữa bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, các kênh đầu tư khác biến động khó lường, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh hút khách dù lãi suất huy động liên tục giảm sâu kể từ cuối quý I đến nay.
Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển, phân tích dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.
Do đó, từ giờ đến cuối năm dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, người dân vẫn chọn gửi ngân hàng. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn lạm phát nên tiền nhà đầu tư vẫn có lợi.