Trong 2 ngày 20 và 21/9, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán (Đồng Nai) ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện, được điều trị tích cực do ong vò vẽ đốt.
Theo đó, liên tục trong 2 ngày 20 và 21/9, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán đã ghi nhận 9 trường hợp nhập viện cấp cứu với các triệu chứng sưng tấy, nhiều nốt ửng đỏ trên da, đau rát, chóng mặt, thậm chí có người bị ngất xỉu trước khi nhập viện.
Đa phần các nạn nhân đều bị đàn ong vò vẽ từ một tổ ong lớn nằm trên một trụ điện trung thế dọc tuyến đường tỉnh lộ Cao Cang, thuộc ấp 5, xã Gia Canh tấn công.
Tại bệnh viện, các nạn nhân đã được điều trị tích cực bằng các biện pháp như kháng sinh, truyền huyết tương, chống viêm, bù điện giải. May mắn tất cả đều không bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe dần hồi phục.
Nhiều người phải nhập viện điều trị tích cực do bị ong vò vẽ đốt. Ảnh: T.H
Theo các bác sĩ, khi bị ong đốt thì tùy theo loại ong mà nọc độc sẽ ít hay nhiều. Trong khi ong mật gần như không độc thì ong vò vẽ và ong đất (ong bắp cày), ong bầu chứa độc tố có thể gây chết người. Trong các ca cấp cứu vì bị ong đốt, thường gặp các ca bị ong vò vẽ và ong đất đốt.
Sau khi vào cơ thể, các chất trong nọc ong gây ra phản ứng dị ứng như phù nề, nổi mề đay. Nặng nhất là sốc phản vệ và có thể làm nạn nhân tử vong nhanh chóng sau 15 phút.
Triệu chứng của sốc phản vệ là lúc đầu là đỏ mặt, ngứa, nổi mề đay, nghẹt mũi, ngứa mũi, ho, khò khè, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy. Sau đó các triệu chứng nặng lên nhanh chóng với các biểu hiện phù mặt hay toàn thân, khó thở, thở nhanh, tím tái, ói máu, tiêu máu, tim nhanh, hạ huyết áp, loạn nhịp tim và ngưng tim.
Ngoài ra độc tố của ong còn gây những biến chứng nguy hiểm khác như tán huyết, tiêu cơ (có triệu chứng nước tiểu màu đỏ), suy thận cấp (tiểu ít hoặc không có nước tiểu), tổn thương gan (có triệu chứng vàng da), rối loạn tri giác, yếu liệt cơ,…