Mực nước lũ do vỡ bờ bao bất ngờ lên nhanh, khiến hàng ngàn hecta lúa thu - đông vùng biên giới Tri Tôn, xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn, An Giang) bị uy hiếp.
Các ngành chức năng huyện Tri Tôn (An Giang) đang dốc toàn lực phối hợp cùng nông dân cứu cánh đồng lúa thu đông vừa bị ngập lũ vì vỡ bờ bao và bảo vệ hàng ngàn ha lúa khác có nguy cơ bị mất trắng.
Trước đó, khoảng 1h30 sáng 28/8, những cánh đồng lúa thu đông rộng khoảng 125ha nằm cạnh kênh Vĩnh Tế (thuộc xã Vĩnh Gia) bị nước lũ từ thượng nguồn Campuchia tràn về làm vỡ bờ bao. Người dân và ngành chức năng khẩn trương gia cố, do nước lũ chảy rất mạnh khiến đoạn bờ bao bị vỡ rộng ra khoảng hơn 20m; nhấn chìm gần như toàn bộ cánh đồng lúa chỉ còn khoảng 10-15 ngày nữa là thu hoạch.
Nhân dân dồn sức triển khai mọi phương án để cứu hàng ngàn hecta lúa bị uy hiếp do nước lũ.
Theo người dân, khu vực này đã được làm bờ bao để sản xuất lúa thu đông. Khoảng 2 tuần gần đây nước lũ từ phía Campuchia đổ về rất mạnh, nước lên nhanh hơn 0,1m mỗi ngày. Bà con trong khu vực này đã đầu tư gần 130 triệu đồng để thuê cơ giới gia cố đê bao cố gắng bảo vệ lúa. Thế nhưng, nước lũ quá cao, chảy mạnh… đã khiến bờ bao bị vỡ gây ngập lúa, có những gia đình bị thiệt hại hoàn toàn, mất trắng hơn 300 triệu đồng vốn đầu tư.
Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Gia cho biết, vụ thu đông này toàn xã xuống giống 2.698 ha, trong đó diện tích ngoài đê bao lên tới 1.505ha. Những ngày qua lũ lên cao và làm ngập một số nơi ngoài đê bao, vì vậy nhiều hộ dân buộc phải thu hoạch nhanh những diện tích lúa vừa chín để chạy lũ. Thương lái mua lúa bị ngập lũ chỉ 1.800- 2.000 đồng/kg, khiến dân thiệt trăm bề.
Huy động cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân cứu lúa
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn thông tin, tính đến chiều ngày 28/8, nước lũ làm thiệt hại hơn 720ha lúa thu đông (tỷ lệ thiệt hại bình quân khoảng 70%) nằm ngoài đê bao ở các xã Vĩnh Gia, Lạc Quới… Hiện ngành chức năng của huyện tập trung bảo vệ hơn 2.000 ha lúa thu đông đang bị nước lũ uy hiếp.
Trong khi đó, tại Kiên Giang, mấy ngày gần đây, nước lũ đã bắt đầu tràn qua đập Tha La và Trà Sư đổ về vùng tứ giác Long Xuyên khiến mực nước ở khu vực này lên rất nhanh, nhiều diện tích lúa bị ngập. Chính quyền địa phương đã huy động tổng lực nhân dân để ứng phó, thu hoạch lúa chạy lũ và đắp đê bao ngăn lũ.
Tại tỉnh Đồng Tháp, do mưa lũ kết hợp triều cường, hơn 800 ha lúa ở xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) chuẩn bị thu hoạch đã bị ngập từ 15 - 30 cm. Còn tại tỉnh Long An, hơn 600ha lúa ở các huyện vùng thấp như Vĩnh Hưng, Tân Hưng đã bị ngập sâu từ 40-60cm.
Lũ sớm ở đồng bằng sông Cửu Long, sắp đạt ngưỡng báo động 2
Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương, tháng 7/2018, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về vùng đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Hiện mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, mực nước cao nhất ngày 21/7 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,52m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,13m. Ngày 28/8, mực nước sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất ngày 27/8, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,93m, dưới báo động (BĐ)2 là 0,07m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,47m dưới BĐ2 0,03m.
Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Theo dự báo, đến ngày 1/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu sẽ ở mức 4,2m (trên BĐ2 0,2m); tại Châu Đốc ở mức 3,7m (trên BĐ2 0,2m).
Hiện các các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang và Đồng Tháp đang theo dõi sát sao diễn biến của nước lũ; đồng thời huy động nhiều lực lượng gia cố đê bao ở các vùng xung yếu có nguy cơ vỡ đê.
Nước lũ từ thượng nguồn đang cuồn cuộn đổ về, dâng cao bất thường.
Lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, mùa lũ năm 2018 trên sông Mekong khả năng sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 2 và trên báo động 2, thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Hiện các tỉnh trong khu vực vùng Đồng Tháp Mười như Đồng Tháp, Long An... đang tất bật thu hoạch hoa màu chạy lũ. Nhiều diện tích lúa vụ hè thu được bà con thuê nhân công thu hoạch trước nguy cơ lũ đầu nguồn tràn về nhanh do mưa lớn liên tục những ngày qua.