Tư vấn pháp luật

Đối tượng gây án chết do tự tử, trách nhiệm pháp lý thế nào?

Đ. Việt 22/09/2023 10:43

Đối tượng gây án chết do tự tử có hết trách nhiệm pháp lý không? Vụ việc sẽ được giải quyết ra sao? Vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự được xử lý như thế nào?... Đây là một số thắc mắc của độc giả trước thực tế xảy ra một số vụ án mạng đau lòng, sau đó đối tượng gây án biết không thể thoát tội nên đã tự tử.

Điển hình là vụ việc xảy ra trên địa bàn xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) làm hai người tử vong và một người bị thương nặng.

Nội dung vụ án thể hiện, ông Lê Văn T và bà Phạm Thị Đ, (cùng SN 1971) đang xây tường rào cho gia đình con trai ruột thì bị Lê Văn H, (SN 1981, có quan hệ họ hàng với ông T) đứng trên tầng hai nhà H. gần đó dùng súng bắn, làm ông T tử vong, bà Đ bị thương nặng. Sau khi gây án, H. dùng khẩu súng tự tử.

Một vụ việc đau lòng khác xảy ra tại một gia đình ở xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Do mâu thuẫn chia quyền thừa kế đất, 3 cô con gái mang theo 1 can xăng loại 10 lít đến nhà mẹ đẻ.

Sau đó, 1 trong 3 cô gái đổ xăng xuống nền nhà gian phòng khách rồi châm lửa đốt cháy. Hậu quả khiến 3 người tử vong, trong đó có 2 cô con gái và người mẹ già, còn cô con gái út cũng bị bỏng phải cấp cứu.

Mới đây, xảy ra một vụ việc thương tâm khi một bé gái khoảng 21 tháng tuổi ở một khu đô thị cao cấp tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) bị bắt cóc và sát hại.

Quá trình truy vết, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể trên sông Đuống có đặc nhận dạng tương đồng với nghi phạm gây án. Hiện vụ việc vẫn đang được khẩn trương làm rõ.

Rất nhiều độc giả thắc mắc, đối với những vụ án mạng đau lòng nhưng đối tượng gây án tự tử, vụ việc sẽ được giải quyết ra sao? Chết có phải hết nghĩa vụ pháp lý hay không? Pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào?

luat-su-nguyen-khanh-toan.jpg
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, (Giám đốc Công ty luật TNHH Chính Tín, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra đối với pháp nhân còn tồn tại, thế nhân còn sống. Bởi vậy, nếu trong quá trình giải quyết vụ việc, đối tượng đã chết thì trách nhiệm hình sự đối với họ sẽ được đình chỉ.

Tuy nhiên, luật sư Toàn cho rằng, “tự tử không phải hết nghĩa vụ pháp lý” mà vấn đề pháp lý sẽ đặt ra vấn đề đối với những người thừa kế của đối tượng tự tử được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự.

Theo luật sư, khi giải quyết bất kỳ một vụ việc nào, cơ quan có thẩm quyền đều phải tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập các tài liệu liên quan nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ việc, xác định có đồng phạm hay không, Sau đó, sẽ căn cứ vào kết quả, xác minh, đánh giá để đưa ra kết luận có khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp đối tượng gây án tự tử trong giai đoạn giải quyết vụ án, căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Trong một số trường hợp, cần thiết, cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án để điều tra, nếu trong quá trình thu thập tại liệu liên quan xác định bị can chính duy nhất liên quan đến vụ án tự tử, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và đình vụ án.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo luật sư Toàn, Điều 615, Bộ luật Dân sự 2015: Nếu hành vi phạm tội của bị can đã chết gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại đó theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận các bên. Và những người thừa kế của bị can, bị cáo đã chết sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trách nhiệm của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan này được xác định: Nếu người chết là bị can để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết;

Nếu người chết là bị can để lại di sản trong đó có phần của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (như tài sản chung vợ chồng, tài sản chung với người khác) thì cơ quan tố tụng phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu thì phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết là bị can đối với thiệt hại. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ con.

Nếu bị can, bị cáo đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết.

Một số chuyên gia luật có cùng quan điểm cũng cho rằng, đối tượng gây án tự tử không phải hết trách nhiệm pháp lý. Nếu người bị thiệt hại có yêu cầu hoặc khởi kiện bồi thường trách nhiệm dân sự thì những người thừa kế của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bị hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối tượng gây án chết do tự tử, trách nhiệm pháp lý thế nào?