Đối tượng đấm vào mặt cảnh sát khi bị kiểm tra đối mặt hình phạt nào?

Quốc Huy| 16/11/2020 18:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngoài việc xử phạm vi phạm hành chính trong an toàn giao thông đường bộ, các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tính chất ngày càng manh động

Thời gian vừa qua, nhiều vụ chống người thi hành công vụ với tính chất ngày càng manh động, côn đồ không chỉ gây ảnh hưởng đến quá trình thực thi công vụ mà thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe cho những lực lượng thực thi công vụ. 

Trước đó, vào khoảng 19 giờ 54 phút ngày 11/11, tổ tuần tra giao thông Công an huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đang tiến hành tuần tra giao thông trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn thì phát hiện Trịnh Anh Tuấn điều khiển xe mô tô mang BKS 29E1 – 186.11 không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều.

1(3).jpg
Vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, đối tượng tuấn còn dùng tay đấm vào mặt một Thượng úy Công an.

Qua kiểm tra, Tuấn không có giấy phép lái xe, vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, Tuấn đã không chấp hành mà còn có hành vi xúc phạm và chống đối lực lượng chức năng. Đặc biệt, đối tượng này còn dùng tay đấm vào mặt một Thượng úy Công an. Trước sự việc trên, tổ công tác đã bắt giữ Tuấn đưa về trụ sở Công an huyện Hoa Lư.

Trước đó vài ngày, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại km 49 Quốc lộ 47C qua địa phận khu 1, thị trấn Lam Sơn, đã yêu cầu Vũ Hải Nam dừng xe ô tô biển kiểm soát 37A - 090.74 để kiểm tra nồng độ cồn.

Tuy nhiên Nam đã không hợp tác, có lời lẽ thách thức, chửi bới cán bộ thuộc tổ công tác. Khi được giải thích và yêu cầu Nam hợp tác thì đối tượng này liền dung tay hất văng máy đo nồng độ cồn xuống đất và đấm thẳng vào mặt 1 cảnh sát.

Trước hành động hung hãn, manh động của Nam, Công an huyện Thọ Xuân đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Vũ Hải Nam và đến ngày 10/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thọ Xuân đã ra quyết định khởi tố Nam về tội Chống người thi hành công vụ.

2(2).jpg
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã ra quyết định khởi tố Vũ Hải Nam về tội Chống người thi hành công vụ.

Cái giá phải trả cho thói côn đồ

Trao đổi với PV, Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định dưới khía cạnh pháp luật, những hành vi chống đối này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rất rõ mức hình phạt đối với loại tội phạm này. Cụ thể “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

3.jpg
 Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch.

Đối với loại tội phạm này, hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm mà tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội có hành vi kháng cự hay chống đối. Người đủ 16 tuổi trở lên là có thể phải chịu trách nhiệm khi thực hiện những hành vi này.

Trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ mà có những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức, tái phạm, xíu giục, lôi kéo người khác phạm tội, gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng trở lên thì khung hình phạt có thể là từ 02 năm đến 07 năm tù giam.

Trong trường hợp những đối tượng chống đối người thi hành công vụ mà có những hành vi sử dụng vũ lực, đấm vào mặt của lực lượng chức năng gây thương tích thì sẽ không cấu thành tội Chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự mà thay vào đó là tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại điều luật này cao hơn rất nhiều so với điều 330 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, tại điểm k, khoản 1, Điều 134 quy định hành vi gây thương tích đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và chỉ cần có hành vi chống đối gây thương tích dù là 01% là phải chịu trách nhiệm hình sự.

Mức hình phạt nặng hay nhẹ sẽ căn cứ vào mức độ tỷ lệ tổn thương cơ thể do hành vi chống đối gây ra mà khung hình phạt thấp nhất có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là tù chung thân trong trường hợp hành vi chống đối gây thương tích cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người là từ 61% trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối tượng đấm vào mặt cảnh sát khi bị kiểm tra đối mặt hình phạt nào?