Vừa qua, dư luận rất quan tâm về tình hình rắn lục đuôi đỏ tấn công người dân ở Cần Thơ hay một số tỉnh khác ở ĐBSCL, riêng tại Bệnh viện Quân y 121 TP Cần Thơ, có ngày tiếp nhận khoảng 4 đến 5 ca bị rắn lục đuôi đỏ tấn công trong tình trạng nguy kịch.
Rắn lục đuôi đỏ thường xuất hiện bất ngờ và tấn công chớp nhoáng, thậm chí còn bò vào tận nhà cắn người. Để hiểu rõ và biết cách đối phó trong trường hợp gặp rắn lục đuôi đỏ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 121.
Rắn lục đuôi đỏ - nỗi khiếp sợ của nhiều người dân
PV: Thưa bác sĩ, anh có thể cho biết những nơi nào rắn lục đuôi đỏ thường xuất hiện?
BS Kiên: Riêng ở các tỉnh miền Tây thì rắn lục đuôi đỏ thường xuất hiện ở những vườn cây, bờ ruộng, những nơi cây cối um tùm, đặc biệt ở những gò đất có nước là nơi lý tưởng để rắn trú ngụ.
PV: Xin bác sĩ cho biết những triệu chứng khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn?
BS Kiên: Đầu tiên, nạn nhân sẽ cảm thấy bị nhức, sau đó là sưng nề, cũng có thể chảy máu ngay vết cắn. Trong trường hợp nọc độc nhiều mà nhập viện trễ, sơ cứu không đúng cách, không điều trị huyết thanh kịp thời, nạn nhân sẽ bị rối loạn đông máu.
PV: Có cách nào để phòng tránh rắn tấn công thưa bác sĩ?
BS Kiên: Để phòng tránh rắn lục đuôi đỏ tốt nhất, người dân nên dọn sạch cây cối, bụi rậm quanh nhà, thường xuyên sắp xếp lại đồ đạc để ngăn ngừa trường hợp rắn trú ẩn. Khi đi thăm đồng ban đêm, người dân nên sử dụng đèn pin, mặc quần áo dài tay, đội nón rộng vành tránh trường hợp bị rắn tấn công vào đầu vì loài rắn này rất hay ở trên cây.
Tránh trường hợp leo trèo cây cối khi trời tối, vì thị giác và khứu giác của loài rắn này hoạt động rất mạnh vào ban đêm nên chúng dễ dàng phát hiện và tấn công.
PV: Phương pháp sơ cứu khi bị rắn cắn như thế nào?
BS Kiên: Khi bị rắn cắn, tốt nhất là rửa bằng xà phòng, dùng dây buộc chặt phía trên nơi bị rắn cắn nhằm hạn chế nọc độc lưu thông trong máu, sau đó nên nằm im, bất động. Nếu vận động, cơ, mạch máu lưu thông nhiều sẽ khiến nọc độc ngấm vào nhanh rất nguy hiểm.
Sau đó, nhờ người khác đưa đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được điều trị huyết thanh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ đến 72 giờ đầu sau khi bị rắn cắn vì việc dung hòa huyết thanh kháng nọc rắn đạt hiệu quả cao trong thời gian này. Biện pháp này không chỉ áp dụng với rắn lục đuôi đỏ mà tất cả những trường hợp bị rắn độc cắn, người dân phải hết sức bình tĩnh và sơ cứu đúng cách.
Đa số trường hợp bị rắn cắn được đưa đến bệnh viện trước khi bệnh nhân ngưng thở, ngưng tim đều được cấp cứu thành công nhưng một số trường hợp đưa bệnh nhân đến muộn làm cho triệu chứng lâm sàng trên bệnh nhân nặng hơn, khó phục hồi, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên đang chăm sóc một bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn
PV: Rắn lục đuôi đỏ cắn có để lại di chứng gì không thưa bác sĩ?
BS Kiên: Thường đa số không để lại di chứng, nhưng có những trường hợp bệnh nhân bị biến chứng rối loạn hô hấp, rối loạn đông máu, hoặc xuất huyết thì lúc này sẽ để lại di chứng và có khả năng nguy hiểm đến tính mạng.
PV: Ngoài rắn lục đuôi đỏ thì ở các tỉnh ĐBSCL còn loài rắn nào thường gặp và nguy hiểm hơn không, làm sao để phân biệt rắn nào là rắn độc - không độc, thưa bác sĩ?
BS Kiên: Hai loại rắn độc phổ biến ở khu vực ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng là rắn hổ đất và rắn lục đuôi đỏ. Hai loại rắn này có nọc độc, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người. Nói thêm về rắn hổ đất, nọc độc của nó gây liệt thần kinh, cơ hô hấp. Người bị rắn cắn mặc dù vẫn tỉnh táo nhưng suy hô hấp dẫn đến tử vong nếu không cứu chữa kịp thời.
Rắn độc hay rắn không độc có thể nhận biết qua dấu răng để lại trên vết cắn. Rắn độc cắn để lại hai dấu răng nanh sâu hoắm; còn các loại rắn không độc thì có vết nguyên hàm răng nhưng không có dấu răng nanh. Phía sau răng nanh của rắn độc có tuyến độc, khi cắn chúng phun độc vào vết cắn, gây sưng, phù nề, hoại tử tại chỗ cắn. Do đó, người bị rắn cắn cần quan sát hình dáng hoặc đập chết con rắn, mang đến cơ sở y tế để bác sĩ biết chính xác loại rắn độc đã gây hại, định hướng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tế điều trị, các bác sĩ có thể dựa trên triệu chứng lâm sàng để đưa ra hướng điều trị chính xác. Thời gian điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn trung bình trong vòng một tuần.
Xin cảm ơn Bác sĩ!
Được biết, rắn lục đuôi đỏ là loài rắn thuộc họ rắn lục có chứa nọc độc cao và rất giỏi nguỵ trang. Loài rắn này khi cắn người có thể gây nguy hại đến tính mạng. Rắn lục đuôi đỏ có tập tính đẻ con và sinh sống chủ yếu trên các vách núi cao hay trong rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn của Việt Nam. Tại Cần Thơ, loài rắn này đã xuất hiện và liên tiếp tấn công tạo nên nỗi khiếp sợ cho người dân. |