Sáng 16/12, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số" nhằm giúp các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, tổ chức đào tạo và các doanh nghiệp khai thác nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 150 điểm cầu trên cả nước.
Với mục đích giúp các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các tổ chức đào tạo và các doanh nghiệp khai thác nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông cùng trao đổi, thảo luận và đánh giá lại thực trạng về công tác đào tạo báo chí, truyền thông hiện nay để từ đó để xuất được những giải pháp đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đổi số báo chí, vì sự nghiệp Cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như cả những thách thức và đang làm thay đổi về cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động; trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Nhân lực làm việc trong lĩnh vực này không chỉ cần về năng lực chuyên môn cao mà còn cần phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đạo đức rất cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch.
Trên thực tế, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã có nhiều nỗ lực và tích cực đổi mới, tuy nhiên công tác đào tạo vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống, đến nay phải “căng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số.
Tại diễn đàn, các cơ quan sử dụng báo chí chỉ rõ thực tiễn tiếp nhận nhân lực báo chí và các yêu cầu đối với công tác đào tạo. Thạc sĩ Vũ Hải Quang, Phó tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã chỉ ra vấn đề chính đó là: Các cơ sở đào tạo đã và đang nỗ lực cung cấp các "sân chơi" nghề cho sinh viên thực hành nghiệp vụ, nhưng nhiều cơ quan báo chí khi tiếp nhận học viên về thực tập hoặc tuyển dụng đều thấy rằng số đông học viên có vẻ khá về lý thuyết và kỹ năng nghề, nhưng kiến thức nền tảng về chính trị, kinh tế, văn hóa… còn rất thiếu và yếu.
PGS, TS Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề xuất các giải pháp trong đào tạo. PGS, TS Nguyễn Trường Giang cho rằng: Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực báo chí, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có sáng kiến, gợi mở để có sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí trong việc tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Kết quả là nhiều sinh viên báo chí ra trường, trở thành nhà báo nhưng chưa được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cho tác nghiệp báo chí số. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số.
Đây cũng là hoạt động tiếp theo khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ “Dự án phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024" năm 2021.
Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024" là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.
Đây là Dự án được triển khai theo phương thức xã hội hóa các nguồn lực có thể đóng góp cho sự phát triển của Báo chí và thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội. Công tác đảm bảo chuyên môn của Dự án sẽ do Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông thực hiện.