Đổi mới của Quốc hội là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ

Ngọc Mai| 16/04/2021 10:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nội dung khi chủ trì Hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các đại biểu chuyên trách ở Trung ương diễn ra chiều ngày 15/4, tại Nhà Quốc hội.

chu-tich-quoc-hoi-chu-tri.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đổi mới của Quốc hội là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ

Tham dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là hội nghị với các đại biểu chuyên trách ở Trung ương đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức kể từ sau khi Quốc hội tiến hành kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV. Hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến, đóng góp, hiến kế của các đại biểu chuyên trách ở Trung ương về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến 8 nội dung công việc mà Quốc hội khóa tới tổ chức thực hiện để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội, theo Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đóng góp, gợi mở nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm trong đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn và đánh giá cao ý kiến đóng góp rất tâm huyết của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương. Sau Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực sẽ làm việc với từng cơ quan của Quốc để tiếp tục bàn kỹ, sâu hơn về những việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần tập trung thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cho biết tới đây, Quốc hội cũng sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; nghiên cứu, có đề án cụ thể trong từng lĩnh vực, xác định rõ cơ quan nào chủ trì, sản phẩm là gì, thời gian thực hiện, huy động các nguồn lực, nhất là tài nguyên chất xám của các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường đại học và đặc biệt là đội ngũ các đại biểu Quốc hội chuyên trách qua các nhiệm kỳ...

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đề xuất của các đại biểu về việc Quốc hội cần tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương lập pháp; các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội cần chủ động hơn nữa để dẫn dắt công tác lập pháp.

Trong giám sát, phải gắn được trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, cá thể hóa trách nhiệm; tăng cường chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình tại các cơ quan của Quốc hội.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy bên trong của Quốc hội hợp lý hơn; làm rõ hơn mối quan hệ giữa cơ quan quản lý chuyên môn, quản lý nhân sự, hoàn thiện chế độ chính sách cho đại biểu Quốc hội hỗ trợ tốt hơn để đại biểu thực hiện trọng trách của mình.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, một số đề nghị của các đại biểu có thể xử lý được ngay. Ví dụ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội không ban hành một Nghị quyết về chương trình lập pháp 5 năm, nhưng để bảo đảm tính chủ động thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Đảng đoàn Quốc hội có thể xác định các định hướng lớn về công tác lập pháp trong cả nhiệm kỳ, sau đó cụ thể hóa thành các chương trình lập pháp hàng năm...

Nhấn mạnh đổi mới của Quốc hội là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, với tâm huyết và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú tại các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương dù tái cử hay chuyển sang nhiệm vụ khác sẽ luôn quan tâm, đóng góp cho hoạt động của Quốc hội.

Nghị quyết Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11 liên quan đến Quốc hội gồm 8 nội dung:

Một là, tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại.

Hai là, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật mới để bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; đẩy mạnh hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Bốn là, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, chuẩn hóa các quy định về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng.

Năm là, tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân để phát huy tối đa lợi thế của hoạt động ngoại giao nghị viện cũng như hiệu quả sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại.

Sáu là, tăng cường gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân; nâng cao hiệu quả các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Bảy là, hiện đại hóa điều kiện bảo đảm hoạt động, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục xây dựng Quốc hội điện tử; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Tám là, tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn; nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, công tác nghiên cứu khoa học lập pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới của Quốc hội là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ