Quy định về lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET (nhựa) của Bộ GTVT vừa bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì không có cơ sở pháp lý, không đảm bảo tính thống nhất, hợp pháp và gây rắc rối, phiền hà cho người dân.
Không phù hợp với pháp luật hiện hành
Sáng 1/12, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN đã làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) về lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe giấy sang vật liệu PET (nhựa).
Ông Đồng Văn Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, hai bên đã thống nhất các nội dung liên quan đến việc sửa đổi Thông tư 58 theo hướng đảm bảo các quy định về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đồng thời đảm bảo được yêu cầu quản lý nhà nước.
Việc bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET (nhựa) không đảm bảo tính thống nhất và gây phiền hà cho người dân.
Trước đó một ngày, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có văn bản kết luận việc kiểm tra Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20/10/2015, của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, Điều 57 của Thông tư 58 quy định về lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET của Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp.
Cụ thể, Điều 57 quy định giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình như sau: Giấy phép lái ô tô và giấy phép lái xe hạng A4 trước ngày 31/12/2016; Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng, theo lộ trình chuyển đổi này mà người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, nội dung Điều 57 Thông tư số 58 không phù hợp với pháp luật hiện hành. Giấy phép lái xe là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới.
Về mặt pháp lý, trong thời gian có giá trị của giấy phép (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng), quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có giấy phép lái xe phải được pháp luật bảo đảm. Việc chuyển đổi các giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng sang vật liệu mới, có thu lệ phí, cần được xem là quyền của người dân và được thực hiện khi người dân có nhu cầu.
“Việc giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng bằng giấy bìa bị bắt buộc phải chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET là không có cơ sở pháp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí. Cụ thể, theo quy định của Bộ Tài chính, mức lệ phí cấp giấy phép lái xe cơ giới công nghệ mới (bao gồm cả cấp mới và cấp lại) là 135.000 đồng/lần. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, văn bản của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ.
Ngoài ra, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng khẳng định quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không chịu đi đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET theo lộ trình là “không bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất”.
Văn bản của đơn vị này nêu rõ: Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông bao gồm: Độ tuổi, sức khỏe và giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong thời gian có giá trị của giấy phép lái xe, quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có giấy phép lái xe được pháp luật bảo đảm. Việc Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT quy định giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng bằng giấy bìa bắt buộc phải chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET là không có cơ sở pháp lý.
Bộ Giao thông Vận tải sửa Thông tư 58
Liên quan đến lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị quản lý trực tiếp việc đổi giấy phép lái xe, cho biết, Tổng cục Đường bộ đã tiếp thu và sửa đổi Thông tư 58 theo hướng bãi bỏ chế tài quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không đi đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET theo lộ trình. Thông thư 58 sửa đổi đã được trình lên Bộ trưởng Bộ GTVT và ban hành trong tháng 12/2016.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường xác nhận, Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 58 theo hướng không bắt buộc, các bằng lái ôtô hết hạn mới phải đổi sang bằng PET. Với GPLX máy (không quy định thời hạn), không bắt buộc đổi, những ai mất bằng hoặc có nhu cầu chuyển sang bằng PET thì thực hiện.
Đề cập đến việc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ GTVT chưa xem xét trách nhiệm liên quan.
“Chủ trương đổi GPLX sang bằng vật liệu PET xuất phát từ thực trạng bằng lái xe giả rất nhiều, đổi bằng là hợp lý để quản lý, ngăn ngừa bằng giả. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GTVT không thu phí cấp đổi nhưng Tổng cục Đường bộ cho rằng nếu không thu phí thì chi phí đổi bằng quá lớn, ngân sách không đáp ứng được nên Thông tư 58 cho phép thu phí.”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Luật sư Trương Anh Tú
Luật sư nói gì?
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, đến ngày 31/8/2016, cả nước đã đổi được xấp xỉ 5 triệu giấy phép lái ô tô sang vật liệu PET trong tổng số 5,3 triệu giấy phép lái ô tô.
Nhìn vào con số này có thể thấy, thời gian vừa qua người dân cả nước đã đổ xô đi đổi GPLX sang vật liệu PET vì “e ngại” nội dung phải thi lại lý thuyết nếu không đổi GPLX kịp thời hạn theo nội dung của Điều 57, Thông tư 58 quy định về lộ trình chuyển đổi GPLX sang vật liệu PET của Bộ GTVT. Thực trạng này làm phát sinh thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến thời gian, công sức và tiền bạc của người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VPLS Trương Anh Tú) Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thực tiễn công tác kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) thời gian qua cho thấy, đã có nhiều trường hợp văn bản QPPL trái pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhưng chưa có trường hợp nào người, cơ quan ban hành văn bản bị xử lý trách nhiệm, cũng chưa có trường hợp nào được bồi thường thiệt hại từ việc ban hành văn bản QPPL trái pháp luật gây ra. Điều này cũng có nguyên nhân xuất phát từ thực tế hệ thống văn bản QPPL của chúng ta trước đây chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này.
Theo ông Tú, hiện tại đã có cơ sở pháp lý nên cần phải thấy rằng việc xem xét, truy cứu trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức, của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản đã ban hành văn bản QPPL trái pháp luật là việc làm cần thiết bởi có như vậy, việc tăng cường chất lượng và nâng cao ý thức kỷ luật trong công tác xây dựng văn bản QPPL mới được bảo đảm.