Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ: Đúng lý nhưng chưa "thuận tình"

Đỗ Việt (Thực hiện)| 25/10/2018 08:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

PV Báo Công lý đã có buổi trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội xoay quanh về câu chuyện đổi 100USD ở tiệm vàng ở Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng.

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ: Đúng lý nhưng chưa

Nhiều người dân bất ngờ trước thông tin  đổi 100 USD bị phạt 90 triệu 

Ngày 24/10, Công an TP Cần Thơ đã thông tin chính thức về vụ việc anh thợ điện đổi 100USD ở tiệm vàng bị phạt 90 triệu đồng.

Theo Công an TP Cần Thơ, khoảng 11h15 phút, ngày 30/1, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, gọi tắt tiệm vàng Thảo Lực, Ninh Kiều) đang thu mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều, làm nghề thợ điện), với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Làm việc với cơ quan chức năng, cả hai bên đều thừa nhận hành vi mua, bán ngoại tệ là vi phạm quy định. Công an TP Cần Thơ đã trình Chủ tịch UBND TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, ông Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng, tịch thu 2.260.000 đồng (quy đổi từ 100 USD) theo Điểm a, khoản 3, Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ).

Tiệm vàng Thảo Lực (do ông Lê Hồng Lực, làm đại diện theo pháp luật), bị xử phạt hành chính số tiền 180 triệu đồng về hành vi "Mua ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ". Cơ sở này bị phạt thêm 70 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 15 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định và 30 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Tổng mức phạt đối với cơ sở này là 295 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu 100 USD (2,3 triệu đồng), 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Công an TP Cần Thơ cho biết đã căn cứ vào Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Công an TP Cần Thơ để tham mưu UBND TP ra quyết định xử phạt hành chính trên.

Sau khi ban hành quyết định xử phạt trên đã có nhiều ý kiến trái triều. PV Báo Công lý đã có buổi trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội xoay quanh về tính chất pháp lý của vụ việc này.

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ: Đúng lý nhưng chưa

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

PV: Việc xử phạt đã có quy định rõ dàng, tuy nhiên nhiều người cho rằng việc này đúng lý nhưng không đúng tình, ở góc độ của luật sư, anh nhận định vấn đền này như thế nào?

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ sẽ bị phạt phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm. Như vậy Nghị định này không xác định mức phạt theo giá trị tang vật như một số Nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác do đó hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ sẽ chỉ có duy nhất một khung mức phạt tiền nêu trên (80 đến 100 triệu đồng) dù giá trị ngoại tệ người vi phạm mua bán là bao nhiêu đi chăng nữa.

Xét về góc độ pháp luật thì quyết định xử phạt trên là có căn cứ và không sai luật. Tuy nhiên, hiện nay cũng có nhiều người dân cho rằng quyết định trên là quá nặng đối với ông Rê, trong khi thực tế hoạt động thu đổi ngoại tệ tương tự diễn ra khá phổ biến và ít ai bị xử phạt khi đổi ngoại tệ với lượng ít như vậy.

Theo tôi thì dù mức phạt trên là đúng về luật nhưng chưa thực sự phù hợp với mức độ, tính chất hành vi vi phạm của ông Rê. Hành vi vi phạm của ông Rê là do thiếu hiểu biết, không nắm rõ quy định pháp luật về pháp lệnh ngoại hối và những quy định về giao dịch ngoại tệ, những cơ sở được cấp phép mua, bán ngoại tệ. Đây là vấn đề mà rất nhiều người dân hiện nay chưa nắm rõ, không chỉ riêng ông Rê. Hành vi này có mức độ gây nguy hại cho xã hội không cao như những hành vi vi phạm pháp luật khác. Hơn nữa với nghề nghiệp và thu nhập hiện tại của ông Rê thì mức phạt này là quá cao, ông khó có thể thực hiện. Bởi vậy việc tịch thu tang vật là 100 USD đã đủ tính răn đe đối với ông Rê.

 PV: Như vậy mức phạt với người đổi 100 USD so với người đổi 1000 USD đều bằng nhau liệu có hợp lý?

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Như tôi đã phân tích nêu trên thì Nghị định này không xác định mức phạt theo giá trị tang vật như một số Nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác do đó hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ dù giá trị ngoại tệ người vi phạm mua bán là 100 USD hay 1000 USD thì đều bị xử phạt với  một khung phạt duy nhất là 80 đến 100 triệu đồng. Cũng có thể nhận thấy sự bất hợp lý với khung mức phạt này. Bởi tính chất và mức độ hành vi vi phạm đối với các giá trị ngoại tệ được mua bán là khác nhau.

PV: Từ vụ việc trên có thể thấy rằng, việc phổ biến pháp luật đặc biệt về những xử phạt quy định như trên đến người dân còn rất hạn chế? Cũng như việc giám sát quản lý của Ngân hàng nhà nước tới hoạt động đổi ngoại tệ trước nay chưa thực sự sát sao? Quan điểm của luật sư thế nào?

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Chính xác là qua sự việc này thì có thể thấy sự thiếu hiểu biết của người dân đối với quy định pháp luật về ngoại hối cũng như các quy định về giao dịch ngoại tệ là chưa nhiều. Rất nhiều người dân chưa nhận thức được hành vi mua bán ngoại tệ tại cơ sở nào là hợp pháp, cơ sở nào là vi phạm pháp luật và cũng chưa biết hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm là ra sao.

Hệ quả này một phần là do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của nước ta trong lĩnh vực này còn hạn chế, chưa thật sự phát huy hiệu quả. Mặt khác việc giám sát quản lý của cơ quan chức năng như Ngân hàng nhà nước cũng như các  Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động này.

PV: Theo luật sư Luật pháp nên có sự điều chỉnh cụ thể như thế nào, cũng như những đơn vị đổi tiền có sự điều chỉnh thế nào để người dân không vô tình phạm luật như trường hợp này?

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Theo tôi, trước hết cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, để nghị định này hợp lý, phù hợp với đời sống và đi vào thực tiễn hơn. Nên xây dựng những chế tài xử lý, những khung phạt tương xứng với từng hành vi và quy mô giao dịch cụ thể thay vì gộp chung lại trong một quy định xử phạt hành chính, chỉ áp dụng duy nhất một khung hình phạt như hiện nay.

Ngoài ra Ngân hàng nhà nước cũng cần công khai niêm yết danh sách các cơ sở đơn vị được phép mua, bán ngoại tệ ở từng địa phương để người dân có thông tin chính xác, tránh các trường hợp không mong muốn xảy ra như sự việc ông Rê nêu trên.

Xin cảm ơn luật sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ: Đúng lý nhưng chưa "thuận tình"