Độc đáo phong vị Tết của người Dao

PV| 26/01/2020 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền. Trải qua bao biến động của lịch sử, thời gian nhưng tết của người Dao vẫn gìn giữ được nhiều phong tục tập quán tốt đẹp từ ngàn xưa truyền lại.

Thành kính với tổ tiên

Dân tộc Dao hiện có khoảng gần một triệu người, cư trú chủ yếu ở Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Quảng Ninh. Trong cộng đồng người Dao, cũng chia thành nhiều nhóm khác nhau, như: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Áo dài, Dao Quần Trắng, Dao Tiền... Mỗi một nhóm người đều có những nét rất riêng về phong tục, tập quán cũng như trang phục. Tuy vậy, trình tự và phong tục ăn Tết của các nhóm này lại có nhiều nét tương đồng.

Mỗi dịp Tết đến, các thầy tạo (thầy cúng), những già làng tổ chức dạy chữ nho đầu xuân cho thế hệ trẻ ngay tại nhà mình. Bên cạnh đó, các bản làng người Dao đều còn duy trì phong tục không chặt các cây to suốt trong dịp Tết.

Ông Chu Tuần Ngân, dân tộc Dao Tiền, người uy tín của Bản Pình, xã Trung Minh, Yên Sơn, Tuyên Quang cho biết, trước Tết cả tháng, các gia đình người Dao trong thôn đã chuẩn bị lợn tết, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng gù… và một phần không thể thiếu được đó là củi đun. Mỗi gia đình đều chuẩn bị 3 đoạn củi to bằng loại gỗ rắn chắc để khi đun đoạn củi có thể cháy suốt 3 ngày Tết mà không cháy hết và tắt lửa. Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm.

Độc đáo phong vị Tết của người Dao

Thiếu nữ Dao rạng rỡ trong ngày Tết

Người Dao Tiền chuẩn bị bữa cơm tất niên cũng là những lễ vật để cúng tổ tiên trong cả dịp Tết. Nếu gia chủ không tự cúng và cũng không mời được thầy về cúng thì chỉ cần bày mâm cơm thắp hương lên bàn thờ trình báo với tổ tiên. Người Dao Tiền có tục “cúng nhà ngoại” vào ngày mồng 2 Tết, tức những gia chủ có bố, mẹ vợ đã mất thì để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn người đã sinh thành ra vợ mình. Gia chủ sẽ chuẩn bị mâm cơm, gồm những lễ vật như mâm cúng tổ tiên, tổ chức lễ cúng ở một góc nhà, xong rồi cả gia đình cùng liên hoan.

Tắm lá đêm giao thừa

Cũng ở Tuyên Quang, nhưng trong phong tục đón Tết, đồng bào Dao đỏ Hàm Yên lại có vài điều khác biệt so với “những người anh em” Dao Tiền. Họ cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, nhưng không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niên. Ngày cúng tất niên không nhất thiết là ngày 30 Tết mà có thể ngày nào đó trong tháng Chạp. Lễ cúng tất niên phải là thầy cúng cao tay, người có uy tín trong cộng đồng.

Bữa cơm trong đêm giao thừa được người Dao đỏ coi là ấm cúng nhất trong năm, có đầy đủ các thành viên trong gia đình và tổ chức ăn uống vui vẻ. Người lớn tuổi kể cho các con cháu những điều hay lẽ phải, các điển tích về nguồn cội dân tộc. Sáng sớm mồng 1 Tết, gia chủ sẽ dạy sớm để đi làm lễ tạ ơn thần nước, thần cây. Gia chủ sẽ thắp hương bên giếng, khe suối, bên các cây to, cây ăn quả quanh nhà với những lời khấn tạ ơn “các thần” đã ban cho nước uống, quả ngọt, bóng mát và che chở cho gia đình trong suốt thời gian qua và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới. Điều này thể hiện rất rõ quan niệm, mọi vật đều có thần linh ngự trị của đồng bào Dao.

Người Dao đỏ sẽ dành cả dịp Tết để vui chơi, đến nhà nhau thăm hỏi chúc Tết. Đến ngày mồng 6 Tết, cả làng mới bắt đầu “khai quang”, tức buổi đi làm đầu tiên, ước mong mọi công việc làm ăn sẽ thuận lợi, phát đạt trong cả năm.

Chiều 30 Tết, sau khi chọn được giờ tốt và hướng xuất hành hợp với họ nhà mình, mỗi gia đình chuẩn bị một bó hoa tươi, thường là hoa đào, hoa mơ hoặc hoa mận, đem đặt sẵn trên đường theo hướng sẽ xuất hành đầu năm. Làm vậy với mục đích để khi quay trở về nhà, chủ nhà sẽ lấy bó hoa hôm trước, đồng thời nhặt thêm vài viên đá nhỏ với ý niệm tượng trưng cho của cải, tiền bạc, cho sự sinh sôi nẩy nở tươi tốt trong năm mới.

Sau bữa cơm tất niên, mỗi thành viên trong gia đình thường tắm rửa bằng nước được đun với lá và rễ cây, với ý nghĩa rũ sạch bụi bẩn, những điều xấu xa của năm cũ để bước vào năm mới sạch sẽ, may mắn hơn. Sau đó, họ mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất để đón giao thừa. Đêm giao thừa để đón giờ khắc thiêng liêng bước sang một năm mới, cả gia đình sẽ cùng nhau quây quần, chúc tụng nâng chén rượu mừng xuân, cầu chúc cho nhau ngày càng làm ăn phát đạt, cháu con khoẻ mạnh.

Sáng ngày mồng một Tết, mọi gia đình đều chuẩn bị bữa cơm tươm tất để làm lễ cúng đầu năm mới, sau đó mỗi thành viên trong gia đình đều phải đem theo một tờ tiền vàng hàng mã để đốt ngay khi ra khỏi nhà, với tâm niệm đốt đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn.

Độc đáo phong vị Tết của người Dao

“Phiêu” giữa mùa xuân

Trong 3 ngày Tết, người Dao đỏ rất hạn chế mở hòm mở tủ, bởi họ quan niệm rằng, làm như vậy thì sẽ không giữ lại được những thứ mình làm ra. Thế nên tất cả vật dụng cần thiết như quần áo, trang sức, đồ dùng trong ngày Tết, họ đều phải lấy ra ngoài trước đêm giao thừa. Họ cũng đặc biệt coi trọng việc chọn giờ, hướng xuất hành đầu năm và có rất nhiều điều kiêng kị, như không muốn những người đang có tang, phụ nữ mới đẻ hoặc mới cưới đến nhà; kiêng nói to, nói tục, nói bậy, nói đến những điều không hay như ốm đau, mất mát và kiêng nói “lóng” đòi nợ… Bởi theo họ ngày Tết chỉ được nói những lời hay, ý đẹp, những điều may mắn tốt lành thì năm mới làm ăn mới phát đạt.

Tưng bừng Tết nhảy

Cũng giống như “những người anh em” khác, người Dao Đỏ ở Sa Pa, Lào Cai luôn xem Lễ cấp sắc và Tết Nguyên đán là hai ngày lễ trọng đại nhất trong năm của dân tộc mình. Ngoài việc cúng lễ, ăn uống, thăm hỏi, chúc tụng, họ còn tổ chức một lễ hội hết sức đặc sắc, đó là Tết nhảy. Lễ hội này thường được tổ chức vào dịp đầu xuân và diễn ra trong 3 ngày liên tục.

Tết nhảy của người Dao đỏ thường bắt đầu bằng điệu nhảy “Nhi-ang chằm Đao” để rèn luyện thân thể và võ nghệ. Tất cả những động tác của các điệu múa, điệu nhảy đều được thực hiện liên tục với sự khéo léo và rất tinh tế của những người biểu biễn. Một số nam thanh niên “sài cỏ” theo hướng dẫn của thầy cả “chái peng pi” tổ chức 14 điệu nhảy dẫn đường để bắc cầu đón thần linh, tổ tiên “về ăn” Tết.

“Để chào đón những người trong gia đình như cha mẹ, ông bà, tổ tiên quá cố thì điệu nhảy chỉ thể hiện một chân, cúi đầu, ngón tay trỏ giơ cao. Để mời tiên nương, tiên nữ, điệu nhảy được mô tả bằng múa cò “pẹ họ” để mô phỏng cánh cò sải cánh bay xa rồi dáo dác tìm chỗ đậu…”, chị Lý San Mẩy, ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai chia sẻ.

Trong khi đó, lễ hội hát giao duyên được tổ chức vào đầu tháng Giêng hàng năm. Trong lễ hội hát duyên thường có những trò chơi hấp dẫn như thi đi cầu tre qua suối, thi leo cột lấy quà, thi chạy leo núi. Người Dao Đỏ còn có phong tục hát giao duyên giữa nam chưa có gia đình và nữ còn độc thân để họ có thể tìm được người bạn trăm năm của mình. Hát giữa người bản này với người bản kia để kết bạn mới và nhất là hát để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình làm ăn thuận lợi, mạnh khỏe. Lễ hội hát giao duyên cũng có ý nghĩa gặp gỡ những người bạn ở xa lâu ngày giãi bày tâm sự tình cảm riêng tư qua những khúc hát, điệu sáo...

Dẫu rằng cách ăn, chơi Tết của các nhóm người Dao trong vài năm trở lại đây đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Nhưng phần lớn những phong tục đẹp, chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được dân tộc này bảo tồn và gìn giữ. Cũng chính vì thế mà họ đã và đang dệt thêm gấm hoa trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của 54 dân tộc Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo phong vị Tết của người Dao