Bánh chưng luộc nước giếng thần, thơm ngon mùi vị có phần trời cho”. Đó là nét đặc trưng riêng biệt chỉ có ở làng bánh chưng “Bờ đậu” - một trong những sản vật nức tiếng bán chạy nhất trong những dịp Tết.
Nguồn gốc “bờ đậu”
Làng bánh chưng “Bờ Đậu”, thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km. Điểm làm bánh chưng tấp nập nhất nhất là ngã ba Bờ Đậu, đây được coi là nơi trung chuyển nối tuyến quốc lộ 3 và 37 với trục đường Tuyên Quang – Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Yên Bái….
Làng bánh chương Bờ Đậu đỏ lửa suốt ngày đêm trong những ngày cận Tết
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Trưởng ban làng nghề cho biết, bánh chưng Bờ Đậu có lịch sử từ những năm 1960. Người khai tổ ra nghề làm bánh là cụ Nguyễn Thị Đấng.
Theo các cụ kể lại, quán bánh của cụ nằm đơn sơ dưới gốc cây Phượng thuộc xóm Bờ Đậu nhưng lúc nào cũng đông khách. Khách đến ăn, rồi tấm tắc khen ngon. Nhờ bán bánh, cụ nuôi sống được cả gia đình và lo cho 6 người con ăn học trưởng thành đến khi về già, cụ truyền lại nghề cho các con cháu duy trì và phát triển.
Bánh chưng Bờ Đậu được gói bằng tay vẫn vuông thành sắc cạnh
Bà Liên cho hay, trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, hoang vu, đói nghèo, người dân chỉ gói bánh chưng vào dịp Tết để thờ cúng ông bà tổ tiên. Trải qua thời gian, thấy nghề làm bánh đem lại cuộc sống no đủ, sung túc hơn, người nọ bắt chước người kia làm bánh rồi đem bán, từ đấy nghề làm bánh chưng được nhân rộng ra cả làng.
Với lịch sử hơn 50 năm duy trì và phát triển, bánh chưng “Bờ Đậu” đã khẳng định được thương hiệu và trở thành một đặc sản nổi tiếng. Tính riêng tại xóm 9, xã cổ Lũng, cả làng với hơn 1000 nhân khẩu đều theo nghề làm bánh, từ người già cho đến trẻ nhỏ.
Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu tạo được tiếng thơm vang dội là thế, nhưng khi hỏi về nguồn gốc Bờ Đậu thì cũng không mấy người biết. Đem thắc mắc này hỏi ông Nguyễn Văn Ánh, chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, ông Ánh cho biết bánh chưng Bờ Đậu là cách gọi biến thể của Bò Đậu.
Ông Ánh kể, thời xưa, có một ông cụ đi bán bò thường xuyên buộc bò vào đống guốc (cọc – PV) ven đường. Nơi đó có rất nhiều bò nằm ở đó nên gọi là Bò Đậu. Sau này, người dân dần biến thể và gọi bằng cái tên Bờ Đậu. Cũng từ đó, làng nghề làm bánh chưng có tên chính thức là Bờ Đậu và trở thành sản vật không chỉ nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc mà còn được bạn bè nước ngoài ưa chuộng.
“Kỹ nghệ” gói bánh vuông thành sắc cạnh
Đến Bờ Đậu có thể cảm nhận rõ không khí Tết đang đến rất gần. Trong từng hộ gia đình, già trẻ gái trai đều được phân công làm bánh để cho phục vụ những nồi bánh chưng dã chiến đáp ứng nhu cầu trong những ngày tết. Những em bé thì tỉa lá, người lớn thì lấy nước, luộc bánh, phụ nữ thái thịt, đãi gạo, cụ già luộc bánh. Nhà nào cũng tất bật gói bánh, từng nồi bánh chưng bốc khói nghi ngút, tỏa mùi thơm đậm đà, như níu giữ lòng người ở lại mỗi khi ngang qua.
Bánh chưng Bờ Đậu là sản vật nức tướng ở xứ chè Thái Nguyên, bán chạy nhất trong những dịp Tết
Có dịp tìm hiểu về làng bánh chưng Bờ Đậu, mới tận mắt thấy hết những nét độc đáo, tinh xảo trong từng công đoạn tỷ mỷ để tạo nên một chiếc bánh vuông thành sắc cạnh.
Khác hẳn với những nơi làm bánh trưng khác, duy nhất ở làng bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà 100 % người dân đều gói thủ công bằng tay. Mặc dù gói bằng tay, nhưng dưới những đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của những người thợ, từng chiếc bánh vẫn vuông vắn, vuông thành sắc cạnh. Đó là một trong những kỹ nghệ riêng biệt chỉ có ở làng bánh chưng Bờ Đậu, mà không nơi nào có thể học hỏi được.
Gia đình anh Đỗ Văn Công đã gắn bó với nghề 20 năm nay cho biết, duy nhất ở Bờ Đậu, người dân không sử dụng khuôn gói bánh, toàn bộ đều được gói bằng tay. Theo anh Công, việc gói bằng tay sẽ có thể điều chỉnh chiếc cho chiếc bánh thật chặt, vuông đều 8 cạnh bằng nhau, khi cho vào luộc không hề bị méo mó, căng phồng chiếc nào chiếc nấy đều vuông thành sắc cạnh.
Là một trong những gia đình có truyền thống gói bánh lâu năm nhất, bà Nguyễn Thị Tâm chia sẻ về kỹ thuật gói bánh để tạo nên những nét độc đáo riêng biệt mà nhiều tỉnh thành khác không thể so sánh được, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn những nguyên liệu để tạo nên một chiếc bánh độc đáo này.
Bà Tâm chia sẻ, gạo nếp để gói bánh được mua ở vùng núi rừng Định Hóa, hạt gạo mẩy tròn, trắng tinh, sau khi đãi lọc qua ba lần nước rồi để ráo. Đỗ làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên. Đỗ xanh được đãi sạch và đồ chín sau đó chia thành từng phần nhỏ cho từng chiếc bánh.
Nhân bánh được làm bằng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu Bắc và được gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Na Rì, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh. Bánh được đun từ 8 – 10 tiếng, khi nước cạn phải chan thêm để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài.
Đặc biệt, nước luộc bánh chưng được lấy từ suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là nước “giếng thần”. Theo bà Tâm, ở làng Bờ Đậu, toàn bộ nước luộc bánh được lấy trên núi đá tự nhiên. Đây là thứ nước trời cho, trong vắt để tạo nên một vị riêng biệt, độc đáo của bánh so với các tỉnh thành khác.
Theo bà Tâm, do có nước “giếng thần” trời ban nên khi luộc bánh giữ nguyên được màu xanh lá cây tạo nên mùi thơm đậm đà hòa quyện trong nồi bánh. Bởi vậy, người Bờ Đậu thường có câu ca “Bánh chưng luộc nước giếng thần/Thơm ngon mùi vị có phần trời cho”. Đó như là một đặc sản mà chỉ vùng Bờ Đậu mới có thể làm nên những chiếc bánh hoàn hảo, vuông tròn sắc cạnh với hương thơm đậm đà, tinh khiết làm ấm lòng du khách trong những mâm cỗ ngày Tết.
Vươn lên thoát nghèo
Làng bánh chưng Bờ Đậu nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp tết. Theo tìm hiểu, trước đây khi chưa có làng nghề bánh chưng, người dân xã Cổ Lũng chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa, trồng chè. Các hộ gia đình đa số sống trong cảnh nhà tranh, vách đất.
Nhờ có nghề làm bánh chưng truyền thống, cuộc sống của người dân dần vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt từ khi được công nhận làng nghề, làng bánh chưng Bờ Đậu đã tạo được thương hiệu nức tiếng gần xa.
Trung bình, một chiếc bánh chưng được được bán với giá 30.000 đồng. Ngoài bánh hình vuông truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh có hình trụ tròn, có hình dáng tương tự bánh tét của Nam Bộ, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Trong đó, bánh được chia làm nhiều loại, giá cả cũng có sự chênh lệnh nhau.
Đối với loại bánh chưng nhỏ được bán với giá 10.000 đồng/1 chiếc. Loại bánh chưng vuông nhỡ có giá 20.000 đồng/1 chiếc. Đối với bánh vuông to, chủ yếu bán trong ngày tết có giá 50.000 đồng/1 chiếc.
Gia đình anh Nguyễn Văn Bình, ở xóm Cổ Lũng cho biết, trung bình hàng ngày một gia đình ở Bờ Đậu xuất ra ngoài thị trường khoảng 150 chiếc. Với ngày Tết, nhu cầu lên tới 800-1.000 chiếc/ngày, nên hầu như số lượng lượng bánh làm ra không đủ để bán đặc biệt là trong những dịp tết đến xuân về.
Nghề bánh chưng không những tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn tạo điều kiện cho nhiều gia đình phát triển kinh tế. Đến Cổ Lũng có thể thấy san sát những ngôi nhà tầng kiên cố, khang trang đẹp đẽ. Trong đó, là cửa hàng bán bánh chưng khang trang của gia đìnhn ông Nguyễn Văn Đức, một thương binh đã làm vươn lên làm giàu từ nghề làm bánh chưng. Hiện nay cửa hàng của ông Đức trở thành một nhà phân phối bánh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Cho đến nay, bánh chưng Bờ Đậu chưa có hợp đồng xuất ngoại, tuy nhiên nhưng người dân cho biết, rất nhiều bạn bè công tác ở nước ngoài thường về đây đặt bánh, mang đi biếu, tặng như là một sản vật nức tiếng của quê hương và không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của dân tộc.