Kinh tế

Doanh nghiệp xuất khẩu theo dõi sát thị trường dưới thời Trump 2.0

Hải Long 23/11/2024 - 17:03

Năm 2024 gần kết thúc với những kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu của hầu hết các ngành. Tuy nhiên, khi hướng đến năm 2025, điều mà các doanh nghiệp (DN) cần đặc biệt quan tâm chính là những biến động có thể xảy ra ở Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Chủ động kịch bản năm 2025

Sự trở lại của ông Donald Trump vào tháng 1/2025 đang là chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất hiện nay. Với vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bất kỳ biến động nào từ thị trường Mỹ đều thu hút sự chú ý đặc biệt từ các hiệp hội, ngành hàng và đặc biệt là các doanh nghiệp.

xuatkhau.jpg
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Ảnh minh họa)

Ngày 14/11, tại buổi tọa đàm giữa các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo hiệp hội, DN phía Nam, ông Tô Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao), nguyên Tham tán, trưởng phòng kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC đã có những chia sẻ (dưới góc nhìn cá nhân), dự báo chính sách thương mại của tân Tổng thống Donald Trump cũng như những dự báo chính sách cho Việt Nam.

Theo ông Tô Anh Tuấn, để hiểu được chính sách thương mại của ông Donald Trump thì phải hiểu rõ quan niệm của ông ấy như thế nào về nước Mỹ. Ông Trump cho rằng nước Mỹ đã qua thời kỳ huy hoàng, và ông ấy muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Về thương mại, ông Trump sẽ đặt nước Mỹ lên trên hết, tức đặt lợi ích của người dân và sản xuất của Mỹ lên trên. Ông Donald Trump cho rằng, thương mại tự do gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Tất nhiên, quan điểm của ông Trump không phải hạn chế thương mại mà thúc đẩy thương mại công bằng, tạo thêm việc làm cho nước Mỹ, giúp đưa sản xuất về Mỹ, giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Giảm thâm hụt thương mại không có nghĩa là các nước ngừng không xuất hàng vào Mỹ, mà Mỹ phải xuất hàng sang các nước. Đây là điểm rất quan trọng. Các công cụ thúc đẩy thương mại có thể sẽ là đánh thuế nhập khẩu, cấm vận, kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt các nước thao túng tiền tệ hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ.

Biện pháp mà các DN gặp nhiều nhất là chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC). Mỹ là nước áp dụng các biện pháp CBPG, CTC nhiều nhất trên thế giới. Biện pháp thứ hai là áp thuế cho điều tra 301 (Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ). Điều đặc biệt của 301 đó là việc áp thuế không chỉ với một ngành hàng, sản phẩm mà sẽ áp thuế toàn bộ sản phẩm mà Mỹ nhập từ nước đó…

Hiện nay Mỹ có nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam nhất (tính trên tổng số vụ kiện của các nước mà Việt Nam phải đối mặt). Ngoài những mặt hàng như gỗ, thép, tôm cá, thì Mỹ còn kiện phòng vệ với những mặt hàng rất ít nghe như dập ghim, bìa hồ sơ…

DN Việt Nam nên chuẩn bị gì?

Trước câu hỏi này, các chuyên gia nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực nội tại và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Mỹ. Trong trường hợp gặp phải các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra Mỹ và cung cấp thông tin kịp thời.

Đáng chú ý, các DN, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các DN, hiệp hội Mỹ, vì chính quyền ông Trump bảo vệ lợi ích của DN Mỹ. Ngoài ra cũng cần tăng cường quan hệ với các công ty tư vấn, công ty luật tại Mỹ, vì các công ty này có ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách của Mỹ.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện ngành thuỷ sản, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, chuyên xuất khẩu tôm, nói về một vài góc nhìn của mình khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng. Theo đó, nếu Tổng thống Donald Trump đánh thuế 10% (trừ hàng Trung Quốc) sẽ làm giá tiêu dùng tại Mỹ tăng, người dân sẽ giảm thiểu mua sắm, dẫn đến doanh số xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ giảm. Tuy nhiên, tôm giá rẻ từ Ecuado sẽ có lợi thế hơn, sẽ giữ vững và tăng trưởng ở thị trường này, nhất là tôm của họ không bị thuế CBPG như tôm các nước khác (Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan).

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, DN Trung Quốc sẽ có xu hướng qua Việt Nam mua xưởng, đầu tư, thuê công nhân Việt Nam sản xuất hàng. Lúc này cần quan tâm đến câu chuyện sau khi Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, chuyện gì sẽ xảy ra, doanh số xuất khẩu vào Mỹ có thể tăng thêm, nhưng phía sau đó là gì cần phải lường trước và có kịch bản.

Như đã nói, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và là thị trường chủ lực của rất nhiều nhóm ngành. Nhưng với những dự báo về những thay đổi của chính quyền mới, khi ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng từ tháng 1/2025, câu chuyện mở rộng thị trường, nắm thêm thông tin từ các thị trường xuất khẩu, ngay cả các thị trường quen của các DN lại được bàn tới nhiều hơn. Điều này được các DN đặt nhiều kỳ vọng vào sự chia sẻ thông tin của các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Việc nhận được thông tin từ các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là hết sức quan trọng. DN cần được hỗ trợ thông tin nhưng quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là thông tin về những rủi ro có thể xảy ra như rủi ro chính trị, hàng rào kỹ thuật... điều này giúp DN Việt Nam có sự chuẩn bị tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp xuất khẩu theo dõi sát thị trường dưới thời Trump 2.0